Khu lưu niệm Phan Bội Châu đón Bằng xếp hạng di tích đặc biệt

Sáng 16/12, tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu.
Khu lưu niệm Phan Bội Châu đón Bằng xếp hạng di tích đặc biệt ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các hình ảnh, hiện vật về Cụ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du tại Nhà lưu niệm Khu di tích quốc gia đặc biệt Phan Bội Châu. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Sáng 16/12, tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu.

Dự buổi lễ có đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Cùng dự buổi lễ, về phía Nhật Bản có Ngài Hiroyuki Miyazawa, Nghị sỹ Hạ viện Nhật Bản; đại diện Hội hữu nghị Nhật Bản​-Việt Nam, Hiệp hội Asaba tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.

Tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo tỉnh, đại diện cháu con Cụ Phan Bội Châu.

Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An trình bày ôn lại thân thế, sự nghiệp của Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Tên húy của Phan Bội Châu là Phan Văn San, sinh ngày 26​/12/1867 trong một gia đình nhà nho nghèo ở miền quê giàu truyền thống văn hóa và yêu nước - làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Phan Bội Châu sục sôi tinh thần đấu tranh. Đến khi ông đậu đầu xứ, tinh thần yêu nước cứu dân dâng cao hơn bao giờ hết. Ông nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho tự do dân tộc, cho đồng bào.

Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu đã đi nhiều nước ở Đông Nam Á và Đông Á học hỏi, phát động nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội... lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng.

Nổi bật trong đó là phong trào Đông Du với tư tưởng vượt thời đại của một nhà nho thời bấy giờ.

Phan Bội Châu đã làm thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên, phải học để đổi mới tư duy, chấn hưng dân khí, dân trí.

Phong trào Đông Du đã đặt nền móng cho những thay đổi sâu sắc của nước ta đầu thế kỷ XX, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của Cách mạng Việt Nam như Hồ Học Lãm, Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Nguyễn Đức Công, Nguyễn Thức Đường…

Phan Bội Châu không chỉ là nhà cách mạng tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn là nhà văn hóa yêu nước, nhà tư tưởng dân chủ lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Ông đã để lại cho hậu thế không chỉ là kho tàng trước tác đồ sộ, phong phú chứa đựng lượng tri thức khổng lồ, mà trên hết là tấm lòng kiên trinh với đất nước; một nhân cách cao đẹp, một phong cách tư duy nhạy bén, mẫn tiệp.

Trong quá trình hoạt động của mình, Phan Bội Châu còn đóng vai trò là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai đất nước, góp phần bồi đắp thêm tình hữu nghị.

Khu lưu niệm Phan Bội Châu đón Bằng xếp hạng di tích đặc biệt ảnh 2Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Phan Bội Châu và sự nghiệp của mình có vị trí rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam thời cận đại. Như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phan Bội Châu là “Vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng.”

Lễ tổ chức kỷ niệm 150 năm Ngày sinh chí sỹ Phan Bội Châu, đồng thời long trọng đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn là sự tôn vinh, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến to lớn của Phan Bội Châu với lịch sử phát triển dân tộc.

Trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 150 năm Ngày sinh chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định​ Phan Bội Châu là nhà yêu nước nhiệt thành, nhà văn hoá và tư tưởng lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, trong hành trình văn hóa dân tộc.

Con người ông, lòng nhiệt thành cách mạng của ông, tình yêu quê hương đất nước của ông mãi mãi khắc ghi trong ký ức hàng triệu người dân Việt Nam và trong những trang sử hào hùng của lịch sử, dân tộc.

Khu lưu niệm Phan Bội Châu được trao tặng Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đã cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng và đánh giá rất cao đóng góp nhiều mặt của Cụ Phan cho đất nước ở một giai đoạn lịch sử bi hùng của cả dân tộc.

Đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực, những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, Thị trấn Nam Đàn, xã Xuân Hòa, dòng tộc họ Phan cùng các tầng lớp nhân dân tiếp tục giữ gìn thật tốt Khu di tích; cố gắng sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày những kỷ vật xúc động, thiêng liêng về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Phan Bội Châu, nơi nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của một chí sỹ yêu nước kiệt xuất; biến nơi đây trở thành địa chỉ đỏ thu hút, tập hợp, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của xứ Nghệ; giúp các thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng ghi tạc công lao của tiền nhân, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ sự kiện này, Phó Thủ tướng cũng định hướng cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các ngành, các địa phương trong tỉnh biết kết nối, phát huy giá trị nhiều mặt của các khu di tích lịch sử, văn hóa; tạo sự gắn kết giữa chính trị, kinh tế và văn hóa như Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã chỉ rõ; phát triển mạnh văn hóa và du lịch của tỉnh, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và các địa phương có lợi thế.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu để có thể tôn tạo, mở rộng hợp lý không gian Khu lưu niệm Phan Bội Châu; nên có thêm nhà trưng bày, bảo quản thật tốt tài liệu, hiện vật; nhà cho cán bộ bảo vệ, hướng dẫn viên. Đổi mới mạnh mẽ hoạt động phục vụ khách tham quan, học tập ở Khu lưu niệm này.

“Tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đã được phê duyệt. Tích cực, chủ động phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện các giá trị của các khu di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có Khu lưu niệm Phan Bội Châu,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ rước Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt từ thành phố Vinh về Khu Di tích lưu niệm Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn; dâng hương và khởi công xây dựng tượng cụ Phan Bội Châu ở Khu Di tích lưu niệm tại huyện Nam Đàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục