Sống cùng cướp biển

Kí ức 12 thuyền viên sống cùng cướp biển khi bị bắt

12 thuyền viên vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc của ngày đoàn tụ sau bao ngày lênh đênh cùng hành trình với hải tặc Somalia.
Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài, 12 thuyền viên vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc của ngày đoàn tụ cùng gia đình sau bao ngày sống trong sợ hãi khi tính mạng luôn nằm trong tay hải tặc Somalia.

Với mỗi người thân, chỉ khi nào tận mắt nhìn con, tay sờ da thịt mới tin thuyền viên chính thức trở về mới là sự thật.

Mẹ ơi, con sẽ về

Ngồi bệt trong nhà chờ sân bay Nội Bài, vài chiếc bánh mì ăn tạm trong giờ trưa còn đang dở, chị Võ Thị Nhị (46 tuổi), mẹ thuyền viên Lưu Đình Hùng, xóm 8 Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An thẫn thờ nhìn đồng hồ khi thời khắc chuyến bay chở con chuẩn bị đáp xuống sân bay.

Ánh mắt đỏ quạch, giọng nói nghẹn ngào, chị Nhị kể về những ngày tháng mỏi mắt ngóng con.

Vốn ở một làng quê nghèo, khi mọi người đổ xô đi xuất khẩu lao động gửi tiền về nhà nên gia đình chị cũng tính cho Hùng đi xuất ngoại làm ăn. Sau vài tháng đi làm, Hùng cũng đã gửi chút vốn về để gia đình trả nợ khoản vay ngân hàng cho em đi.

Thế nhưng, giấc mơ thoát nghèo đâu chưa thấy, đùng một cái tin tàu cá của Hùng bị hải tặc Somalia khét tiếng nguy hiểm bắt giữ khiến gia đình hoang mang.

Kể từ ngày Hùng bị hải tặc bắt, chị Nhị cùng nhiều người trong gia đình gần như suy sụp. Mỗi khi chợp mắt, hình ảnh người con trai xách ba lô bước vào nhà ôm chầm lấy chị lại hiện lên như một niềm mong mỏi thường trực.

“Cứ nghĩ đến cảnh cướp biển cầm súng dí vào người con mình tui lại thấy rùng mình. Ngày nào gia đình cũng nghe ngóng thông tin từ báo đài nhưng thông tin về con vẫn không có hồi âm,” chị Nhị ngậm ngùi nói.

Trong lúc tưởng như tuyệt vọng chị Nhị bất ngờ khi nghe Hùng gọi điện về nhà hai lần trong vòng hai phút thông báo tình hình nơi ăn, chốn ở.

Nước mắt chan hòa trên gương mặt khắc khổ, chị Nhị kể, cháu gọi về nói  bị hải tặc giam cầm trên đảo, ăn uống thì bữa có bữa không, bị khủng bố tinh thần…

“Nếu con có mệnh hệ gì, bố mẹ và mọi người ở nhà cho con xin lỗi, không nên buồn nản quá, có hại cho sức khỏe. Nghe con nói như vậy, lòng tôi đau như xát muối,” chị Nhị khóc nấc.

Và niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi ngày tối 21/7, chị Nhị nhận được cuộc gọi điện thoại, trong giọng nói của người con thân thương sau hơn 18 tháng xa cách lại vang lên một lần nữa với tin tức đã được giải cứu an toàn và sẽ về nước vào ngày 24/7.

“Gia đình mừng quá, ai ai cũng muốn nghe nó nói nhưng chỉ nhớ được câu nói duy nhất của cháu ‘mẹ ơi, con sẽ về’,” chị Nhị hồ hởi nói.

Lênh đênh cùng hành trình cướp biển

Ôm chặt lấy bố vào trong lòng, thuỷ thủ Trần Minh Trí, 21 tuổi, ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An khóc òa trong niềm hạnh phúc.

Theo kí ức của Trí, ngày 25/12/2010, tàu FV Shiuh Fu No1 (Đài Loan) khi đang đánh bắt cá trên biển thì bất ngờ bị tàu của hải tặc bị 2 canô chở đầy cướp biển lăm le súng ống trên tay khống chế. Các thuyền viên đã quay đầu bỏ trốn song không kịp. Cướp biển ập lên tàu, khống chế mọi người, cắt đứt mọi liên lạc rồi giam dưới boong tàu.

Sau khi bị khống chế, chúng tiếp tục dùng thuyền của thuyền viên để đi cướp các tàu khác. Mười lăm ngày chỉ cướp được một tàu hỏng máy, chúng lại trở về vịnh để đậu. Hàng ngày, chúng bắt các thuyền viên phá chiếc tàu hỏng để lấy đồ đạc, máy móc. Mười lăm ngày sau, hải tắc dồn tất cả thuyền viên lên tàu, tống xuống hầm rồi bắt đầu lênh đênh một hành trình cướp bóc dài đến 10 tháng khác.

“Mỗi ngày, chúng bắt các thuyền viên ở dưới tầng hầm, làm phục dịch, kéo canô cho cướp biển trong vòng 10 tháng. Trong thời gian này, thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện về bắt người nhà phải lên các công ty để yêu cầu sớm nộp tiền chuộc,” Trí kể.

Nguyễn Văn Tâm ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, một trong 12 thuyền viên bị cướp biển bắt nhớ lại, các thuyền viên chỉ được 3- 4 kg gạo một ngày để nấu. Cơm nấu xong lúc nào cũng có màu đất, nước thì bẩn vì có mùi phân.

“Hầu hết, mọi người lại không có nước tắm, không có nước sinh hoạt nên 2- 3 tháng mới được tắm một lần. Tất cả đều mắc bệnh ngoài da,” Tâm cho hay.

Ánh mắt hoảng sợ khi nghĩ về những tháng ngày bị giam cầm, thuyền viên Lưu Đình Hùng ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An nói: “Cướp biển cũng có kẻ ác, kẻ đỡ ác. Có đứa thì không bao giờ đánh đập chửi bới, nhưng có đứa thì thường xuyên đánh đạp người khác. Hầu hết tất cả mọi người trong đoàn đều một vài lần bị chúng đánh đập. Thậm chí có người còn bị dí súng vào đầu.”

Theo các thuyền viên, chỉ khi máy bay rải tiền chuộc xuống biển, hải tặc mới thả cho thuyền viên đi dọc bãi biển cách khu vực của bọn chúng vài kilômét vì sợ bị tấn công. Lúc đó, tàu Trung Quốc đón sẵn lao động lên để trở về sau tháng ngày bị giam cầm bắt làm con tin thì thuyền viên mới chính thức được giải thoát khỏi lưỡi hãi tử thần./.

Hùng Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục