Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19

Khi doanh nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt.
Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Hà Nội đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng loạt các chương trình kích cầu tiêu dùng đã được thành phố Hà Nội triển khai trong thời gian qua đã có tác động tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

Đặc biệt, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh, thành phố đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình hàng Việt... nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa.

Khơi thông thị trường

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, Hà Nội đã tổ chức triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình nhằm kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

[Phiên chợ Việt dịp Tết: Gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp]

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương, các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, kích cầu tiêu dùng, tổ chức kết nối giao thương, đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các loại hình kinh doanh mua sắm vào ban đêm là một trong những hình thức kinh doanh mới cần thiết. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu dùng và người dân có cơ hội được mua sắm những sản phẩm giá trị với mức giá ưu đãi lớn nhất dịp cuối năm, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Cùng với các chương trình khuyến mại lớn, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa thị trường Thủ đô với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho thị trường Hà Nội; phát huy vai trò đầu mối phân phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu cũng như triển khai hiệu quả, toàn diện các chương trình hợp tác, liên kết.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết hàng loạt hoạt động kết nối nông sản, đặc sản vùng miền với người tiêu dùng Thủ đô đã được doanh nghiệp triển khai trong thời gian qua.

Thông qua các hoạt động đó, Co.opmart kết nối được với nhiều nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị lâu dài và ổn định, qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng.

Cần chiến lược kinh doanh bài bản

Để hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt khoảng 7,5%, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; trong đó thành phố chú trọng đến hàng loạt chương trình kích cầu thị trường...

Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 ảnh 2Trong năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 5 Tuần hàng Việt.. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm năm 2021 ngành công thương Hà Nội tiếp tục xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội nhằm thu hút từ 1.000-2.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thông qua tổ chức các sự kiện vì quyền lợi người tiêu dùng, Tháng Khuyến mại, các chương trình xúc tiến thương mại…

Thông qua các chương trình này, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đa dạng các hình thức khuyến mại trên quy mô lớn với mức giảm giá sâu, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cùng đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển sản phẩm, thương hiệu, liên kết vùng, kết nối sản xuất giao thương trên địa bàn thành phố và với các tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021.

Đặc biệt, để kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua đó giúp doanh nghiệp, người nông dân tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, trong năm 2021 Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 5 Tuần hàng Việt.

Theo đó, mỗi tuần sẽ có khoảng 100 gian hàng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, dệt may da giầy, hàng tiêu dùng, sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP… trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác….

“Thành phố tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng, phát triển hệ thống bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết trong nước, trên địa bàn thành phố…,” bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi doanh nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ các hoạt động này, bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan quản lý, ông Lộc đề nghị các doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt... để đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục