Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 14/3, Lễ khai mạc Kỳ họp lần thứ X Diễn đàn Giao thông bền vững vì môi trường tại châu Á đã diễn ra tại thủ đô Vientiane, với chủ đề "Lộ trình đến năm 2030 cho giao thông bền vững gắn với mục tiêu phát triển bền vững."
Tham dự kỳ họp lần này có gần 400 đại biểu đến từ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm đại diện cấp cao của chính phủ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thị trưởng các thành phố, chuyên gia và chuyên viên quốc tế; Đại diện cấp cao của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của bộ giao thông vận tải, bộ môi trường, bộ y tế, bộ phát triển đô thị; Đại diện của Liên hợp quốc; các tổ chức quốc tế và đại diện các khu vực kinh tế tư nhân, tổ chức phi chính phủ.
Trong 3 ngày diễn ra kỳ họp (từ 14-16/3), các đại biểu sẽ cùng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để các quốc gia thành viên Diễn đàn Giao thông bền vững về môi trường tại châu Á có thể đạt được các thành tựu về mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, cũng như thông qua giải pháp và hành động giao thông bền vững của mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để đưa ra các chính sách đa dạng, các biện pháp thể chế, ứng dụng công nghệ, cơ chế tài chính và tổ chức hợp tác trong lĩnh vực giao thông vì thành công của các mục tiêu phát triển giao thông bền vững; củng cố, tư vấn chính sách cho vùng nông thôn để có thể tiếp cận tới nguồn thực phẩm an toàn, xóa đói nghèo, phát triển và hợp tác khu vực bền vững; chỉ ra vai trò của đường sắt trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; thảo luận và đưa ra giải pháp về giao thông bền vững, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và các bé gái; xem xét, đánh giá lại chương trình hành động của các quốc gia, các sáng kiến, những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2020, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 đã tuyên bố tại Bangkok; đưa ra các bài học quan trọng và cái nhìn sâu sắc trực tiếp của các quốc gia thành viên EST hướng đến các giải pháp và hành động giao thông bền vững của mỗi quốc gia.
Dự kiến, vào ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ X (16/3), các đại biểu sẽ thông qua Tuyên bố Vientiane về Giao thông nông thôn bền vững hướng tới việc hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững.
Châu Á là khu vực có tốc độ tăng dân số và lượng dân số lớn nhất trên thế giới (khoảng 4,4 tỷ người), do đó đòi hỏi một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông hướng đến phát triển bền vững và nền kinh tế ổn định.
Các quốc gia và thành phố châu Á đang phải đối mặt với các thách thức về xã hội, kinh tế, môi trường, tăng dân số, quá trình đô thị hóa, và hạn chế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại khu vực nông thôn, thành thị, trong đó có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giao thông.
Vấn đề giao thông liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường.
Hiện có khoảng 47% dân số châu Á sống ở vùng nông thôn, nhiều trong số họ ở vùng sâu, vùng xa và không được kết nối mạng lưới giao thông rộng lớn. Ước tính 700 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận trực tiếp đến đường đa năng. Gắn kết nông thôn là cần thiết để tạo ra cơ hội kinh tế, nghề nghiệp và giảm đói nghèo bằng cách kết nối các nông trại với thị trường, sản phẩm với người tiêu dùng.
Đó là lý do Diễn đàn thường niên Giao thông bền vững về môi trường khu vực châu Á ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế.
Đến nay, phạm vi Diễn đàn được mở rộng, với 24 quốc gia trong vùng Đông Bắc, Đông Nam và phía Nam khu vực châu Á, gồm: Afganistan, Banglades, Butan, Brunei Darussalam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Lào, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepan, Philippines, Pakistan, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Timor Leste, Việt Nam và Liên bang Nga.
Tại kỳ họp lần này, một số quốc gia mới trong vùng Ủy ban kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ tham dự vào Diễn đàn giao thông bền vững về môi trường tại châu Á./.