Lâm Đồng: Thiếu cát xây dựng và vật liệu san lấp, nhiều công trình bị đình trệ

Từ đầu năm 2024, hàng loạt các công trình trọng điểm của địa phương này đã bị đình trệ vì tình trạng thiếu vật liệu san lấp mặt bằng và cát xây dựng do vướng thủ tục pháp lý.

(Ản minh họa.: Nguyễn Thành/TTXVN)
(Ản minh họa.: Nguyễn Thành/TTXVN)

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, đấu giá khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Trước đó từ đầu năm 2024, hàng loạt các công trình trọng điểm của địa phương này đã bị đình trệ do thiếu vật liệu san lấp mặt bằng và cát xây dựng do cơ chế quản lý cứng nhắc của tỉnh.

Trong tháng 10/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, đấu giá khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp, phục vụ các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm của tỉnh.

Tại Thông báo số 315/TB-UBND ngày 10/10/2024, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu các quy định của Luật Khoáng sản và các quy định của pháp luật tham mưu đề xuất, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về đăng ký khai thác khoáng sản phục vụ nội bộ công trình; vật liệu dư thừa, vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị. Kết quả thực hiện báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 22/10/2024...

Sở Xây dựng chủ trì và phối hợp các sở ngành, địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để các đơn vị cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khối lượng cát xây dựng thu hồi sau nạo vét…

Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật để tổng hợp, đề xuất giá khởi điểm đối với khoáng sản (cát, sỏi) thu hồi từ các dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tổ chức đấu giá theo quy định. Sở Công Thương phối hợp với các địa phương liên quan kiểm tra, làm việc với các đơn vị chủ hồ thủy điện để rà soát kiểm tra tình trạng hồ sơ pháp lý hoạt động nạo vét lòng hồ để tận thu khoáng sản…

Các Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sỏi được thu hồi, tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, chậm trễ trong tổ chức đấu giá khối lượng cát, sỏi tận thu được, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung vật liệu xây dựng…

Ông Lê Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nguyên cho biết, đơn vị đang thi công công trình xây dựng đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) với tổng đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, dự án này đã phải đình trệ do không có đất đắp nền đường.

Trong khi đó, tại hồ sơ thiết kế tuyến đường này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vị trí khai thác đất đắp tại địa điểm cách công trình 6km. Nhưng khi đơn vị tiến hành khai thác thì bị các cơ quan chức năng không cho phép vì vướng thủ tục pháp lý. Vì tình trạng này, ngày 7/3/2024, doanh nghiệp đã phải làm văn bản số 02/2024/LDHN-HAG đề nghị chủ đầu tư xin tạm dừng thi công công trình…

Tình trạng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nguyên cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp đang thi công các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng bởi thiếu vật liệu xây dựng là đất đắp mặt bằng. Trong khi đó, một số công trình khác như Dự án cải tạo mặt bằng nghĩa trang Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) lại đang dư thừa hàng trăm ngàn m3 đất. Tuy nhiên, các ngành chức năng căn cứ Luật Khoáng sản lại yêu cầu nhà thầu dự án này tập kết lượng đất đá dư thừa trên để chờ đấu giá và cũng chưa thể đấu giá do vướng thủ tục…

Trước đó, ngày 24/9, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh tình trạng “Lúng túng phương án đấu giá và sử dụng cát tại Lâm Đồng." Cụ thể đã gần 2 năm qua, thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp phải tình trạng đứt gãy nguồn cung cát, sỏi từ các doanh nghiệp chuyên nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn để tận thu cát, sạn, sỏi làm vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường. Giá vật liệu xây dựng bất ngờ tăng cao, khiến cho các doanh nghiệp đang thi công những công trình của Nhà nước hay của tư nhân đều gặp khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục