Làng lụa Vạn Phúc trên hành trình khẳng định bản sắc riêng

Trong khi nhiều làng nghề ở Hà Nội loay hoay tìm lối ra đưa nghề truyền thống phát triển, làng dệt lụa Vạn Phúc năng động tìm lối đi riêng, khẳng định thương hiệu của làng lụa tuổi đời trên 1.000 năm.
Làng lụa Vạn Phúc trên hành trình khẳng định bản sắc riêng ảnh 1Đông đảo du khách tới tham quan không gian văn hóa làng nghề Vạn Phúc. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Trong khi nhiều làng nghề tại Hà Nội đang loay hoay tìm lối ra, đưa nghề truyền thống phát triển, làng dệt lụa Vạn Phúc lại năng động tìm lối đi riêng, khẳng định thương hiệu của làng dệt lụa có tuổi đời trên 1.000 năm.

Vạn Phúc giờ đây không chỉ là làng nghề thủ công truyền thống mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.

Giữ bản sắc truyền thống

Nhắc đến lụa Vạn Phúc là nhắc đến các loại: lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi… với đặc trưng bền đẹp, mềm mại vừa tạo sự sang trọng, vừa gần gũi. Trong đó, dòng lụa vốn được đánh giá là quý nhất của làng Vạn Phúc là lụa vân với lối dệt tinh xảo.

Trên cơ sở những đề tài trang trí từ nghệ thuật truyền thống, người thợ làng lụa Vạn Phúc sáng tạo thêm để thích ứng với từng chất liệu dệt như ngũ phúc, long vân, thọ đỉnh, quần ngư vọng nguyệt, hoa lộc… để cho ra đời những sản phẩm đẹp.

Người làng Vạn Phúc thường tự hào sản phẩm lụa quê hương từng là vật phẩm tiến vua các triều đại, từng tham gia đấu xảo tại hội chợ Marseille, Paris và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo nhịp xoay chuyển của cuộc sống, có những thời điểm, lụa Vạn Phúc rơi vào cảnh thăng trầm, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ hoặc các cửa hàng, cửa hiệu tại Vạn Phúc nhập hàng Trung Quốc về bán ảnh hưởng tới thương hiệu làng nghề.

Không ít khách hàng đến Vạn Phúc mua nhầm lụa nơi khác, tạo tâm lý và những đánh giá chưa tích cực về làng nghề. Đó là thời điểm của nhiều năm về trước.

Hiện nay, người dân Vạn Phúc ý thức được rằng không có gì bền vững bằng chính những yếu tố truyền thống, những giá trị gốc cần được bảo tồn và phát huy. Khách du lịch đến với Vạn Phúc bởi muốn tìm thấy tinh hoa của một làng nghề trên những tấm lụa bản địa, tìm hiểu nghề truyền thống, không phải mua tấm lụa nhập từ nơi khác.

Vì vậy, người Vạn Phúc đã chú trọng phát huy bản sắc làng nghề. Dù số hộ trực tiếp sản xuất lụa là 145 hộ và số hộ kinh doanh lụa là 160 hộ, vẫn là con số khiêm tốn so với 3.900 hộ của cả làng nghề song so với những năm trước đã phát triển hơn.

[Sắc lụa nghìn năm" tại tuần văn hóa du lịch thương mại Vạn Phúc]

Sản lượng lụa mỗi năm sản xuất đạt khoảng 2 triệu mét, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trên 60%, số còn lại vẫn nhập từ nơi khác.

Tuy vậy, như ông Kiều Thanh Hải, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Vạn Phúc, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên bán hàng nhập ngoại, vì vậy hầu như rất ít cửa hàng bán sản phẩm lụa của Trung Quốc.

Hai năm trở lạ đây, địa phương tiến hành kiểm tra và chưa phát hiện cửa hàng nào bán hàng Trung Quốc. Với các hàng lụa nhập từ các tỉnh, thành khác, địa phương yêu cầu chủ cửa hàng niêm yết công khai để khách không nhầm lẫn.

Trở thành điểm đến hấp dẫn

Làng lụa Vạn Phúc trên hành trình khẳng định bản sắc riêng ảnh 2Khách hàng bị cuốn hút bởi những sản phẩm dệt lụa truyền thống Vạn Phúc. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Đến Vạn Phúc thời điểm này, du khách được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của làng nghề. Vạn Phúc đã năng động hơn, văn minh hơn, đẹp hơn và đó cũng là những cố gắng để làng nghề dệt lụa khẳng định mình trên thị trường.

Xác định làng nghề dệt lụa là điểm đến du lịch của khách trong và ngoài nước, chính quyền địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang các tuyến phố, tôn tạo di tích.

Đặc biệt, ba tuyến phố đi bộ gồm phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ cổ đồng thời được mở ra để người dân tham quan, mua sắm.

Những ngày cuối tuần, các tuyến phố đi bộ tại Vạn Phúc đón hàng nghìn khách du lịch ghé thăm. Tất nhiên, để tạo ra điểm nhấn này, chính người dân cũng sẵn lòng chịu một số bất tiện về phương tiện đi lại, nhưng đổi lại là những lợi ích không thể đo đếm hết từ hoạt động du lịch, thương mại.

Tuần Văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc diễn ra từ ngày 8-14/11 là sáng kiến của địa phương nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch của làng nghề dệt lụa.

Với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cùng với sự bài trí không gian đẹp, những ngày qua, Vạn Phúc là điểm đến của hàng vạn du khách gần xa. Đây được coi là hoạt động có ý nghĩa đối với làng lụa Vạn Phúc, được nhiều người đánh giá cao.

Nghệ nhân dệt lụa Nguyễn Thị Tâm cho biết, với những hộ sản xuất như gia đình bà rất phấn khởi bởi lượng khách đến với làng nghề và đến với gia đình bà đông ngoài dự kiến. Nhiều người đến tham quan làng nghề sẽ hiểu hơn về sản phẩm lụa Vạn Phúc, các hộ sản xuất, kinh doanh lụa cũng nắm bắt được thêm thị hiếu của khách hàng.

Tuy nhiên, bước đường chinh phục thị trường vẫn còn dài, Vạn Phúc tiếp tục khẳng định mình từ việc tận dụng và phát huy lợi thế riêng có.

Để xây dựng Vạn Phúc thành điểm du lịch, thương mại trọng tâm của Hà Nội, địa phương sẽ tiếp tục chỉnh trang, mở rộng một số điểm văn hóa lịch sử như Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, miếu Vạn Phúc, đền thờ Tổ nghề, đình thờ Thành hoàng làng, chùa Vạn Phúc.

Phường chỉnh trang tuyến phố kinh doanh lụa, ẩm thực, hoa cây cảnh-đồ cổ để tạo tuyến phố đồng màu sắc. Những người bán hàng tiếp tục được tập huấn về văn hóa ứng xử, nhân viên tuyến phố kinh doanh lụa được vận động mặc áo dài lụa Vạn Phúc nhằm tạo ấn tượng cho khách tham quan.

Điều quan trọng, khách đến Vạn Phúc một lần sẽ muốn quay trở lại các lần sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục