Lãnh đạo Nga, Trung, Triều với tương lai của Tổng thống Mỹ Trump

Các cuộc tiếp xúc với ba nhà lãnh đạo của ba quốc gia đối thủ trong chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày phần nào đã tạo ra những ảnh hưởng đến tương lai của ông Trump trong cuộc đua tái tranh cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên chiếc chuyên cơ Không lực Một ở căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, Hàn Quốc để về nước ngày 30/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên chiếc chuyên cơ Không lực Một ở căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, Hàn Quốc để về nước ngày 30/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng usatoday.com, Kim Jong-un và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên; Vladimir Putin và các hành vi can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ; Tập Cận Bình, thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và các cuộc đàm phán mới về thỏa thuận thương mại, các vấn đề này đã bao trùm chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại biên giới Hàn-Triều.

Nhiều vấn đề tương tự sẽ bao trùm nhiều tháng tới trong lúc Tổng thống Trump tìm cách tái tranh cử, một phần qua việc tuyên bố về chính sách đối ngoại kiểu mới. Ông hy vọng rằng chính sách đó bao gồm thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc và thỏa thuận hạt nhân với với Triều Tiên, điều mà ông tin là sẽ giúp ích cho tình hình nội bộ ở Mỹ.

Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ tìm cách mô tả ông Trump là một nhà lãnh đạo thất thường, một người tỏ ra quá thân thiện với các nhà lãnh đạo quốc gia đối thủ mà không nhận lại lợi ích gì. Họ nói rằng chuyến công du châu Á của ông Trump đã nêu bật các điểm yếu của ông, bao gồm chính sách thuế làm tổn hại tới các nông dân và người tiêu dùng Mỹ. Chiến lược gia đảng Dân chủ Jesse Ferguson nhấn mạnh rằng ông Trump thậm chí còn dành thời gian công kích các đối thủ chính trị trong nước trong chuyến công du châu Á, thậm chí trước sự hiện diện của các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Hãy xem chương trình nghị sự của ông Trump trong chuyến công du ngắn ngày tới Seoul và Osaka:

Trung Quốc, thuế quan, và nền kinh tế Mỹ

Trong cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Osaka, hai ông Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại mới vốn sụp đổ hồi tháng 5/2019.

Tổng thống Trump đã đồng ý tạm ngừng tăng thuế với hàng Trung Quốc, như một phần trong thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Thỏa thuận mới với Trung Quốc sẽ hủy bỏ các biện pháp thuế hiện nay, chấm dứt cuộc chiến thương mại mà phe Dân chủ đang tìm cách lợi dụng để chống lại ông Trump vào thời điểm diễn ra bầu cử.

Lãnh đạo Nga, Trung, Triều với tương lai của Tổng thống Mỹ Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Trump đã lên tiếng bảo vệ các biện pháp thuế của ông khi nói rằng chúng khiến Trung Quốc phải thương lượng và khuyến khích người dân mua nhiều sản phẩm của Mỹ hơn. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia kinh tế không đồng tình với ông. Một số thành viên đảng Cộng hòa lo ngại rằng các biện pháp thuế sẽ tổn hại tới khả năng thắng cử của họ vào năm 2020 và cảm nhận rằng Tổng thống Trump cần một thỏa thuận mới với Trung Quốc.

Matt Mackowiak, cố vấn chính trị của đảng Cộng hòa, nói: “Chúng tôi biết rằng các biện pháp thuế đang làm tổn hại tới ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các cử tri nòng cốt của Trump tin tưởng vào sự cần thiết của cuộc chiến chống lại các hành vi thương mại bất công của Trung Quốc. Điều này sẽ có lợi cho khả năng tái đắc của của ông Trump nếu ông có thể bỏ lại sau lưng cuộc chiến thương mại, nhưng ông cần phải giành chiến thắng.”

Triều Tiên và Kim Jong-un

Bốn tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Việt Nam thất bại, hai nhà lãnh đạo đã gặp mặt vào ngày 30/6 tại Khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn-Triều. Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước qua biên giới đó và đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

Lãnh đạo Nga, Trung, Triều với tương lai của Tổng thống Mỹ Trump ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Sau cuộc gặp gần một giờ đồng hồ, hai bên đã nhất trí cử “các nhóm chuyên viên” để tìm cách nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên, ngay cả khi hai bên đang trong thế bế tắc. Chính quyền Tổng thống Trump nói rằng họ sẽ không gỡ bỏ trừng phạt cho đến khi Triều Tiên đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân; trong khi Triều Tiên nói rằng họ sẽ không đưa ra kế hoạch như vậy cho đến khi ông Trump gỡ bỏ trừng phạt.

Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Trump có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên để “khoe” với các cử tri vào cuộc bầu cử năm sau hay không. Họ nhấn mạnh rằng ông Kim hiện không có kế hoạch từ bỏ vũ khí hạt nhân. Sung-Yoon Lee, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Tufts, nói: “Ý định của ông Kim là gài bẫy ông Trump vào tiến trình đàm phán mở mà ông Trump không thể thoái lui."

“Bỡn cợt” với Putin

Ông Trump dường như đã tìm cách pha trò khi các phóng viên hỏi rằng liệu ông có ý định cảnh báo nhà lãnh đạo Nga đừng nên can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, như chiến dịch tranh cử thành công của Trump hồi năm 2016, hay không. Với điệu bộ không mấy nghiêm nghị trong lúc chỉ tay vào Tổng thống Nga, ông Trump nói: “Đừng can thiệp vào cuộc bầu cử, ngài Tổng thống.” Ông Putin đã phá lên cười.

Lãnh đạo Nga, Trung, Triều với tương lai của Tổng thống Mỹ Trump ảnh 3Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ông Trump đã chỉ trích cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, gọi đó là “cuộc săn phù thủy” của những người tìm cách biện minh cho thất bại của họ hồi năm 2016. Đảng Dân chủ thường lên án thái độ thân mật của Trump với Putin và lợi dụng điều này vào thời điểm diễn ra bầu cử. Sau sự thể hiện của ông Trump với ông Putin tại G20, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris viết trên Twitter: “Rõ ràng rằng Tổng thống Trump là một mối đe dọa an ninh quốc gia.”

Không vội vàng với Iran, Trung Quốc, Triều Tiên

Nổi bật trong chuyến công du của ông Trump là tuyên bố được lặp lại liên tục rằng ông không hề “vội vàng” hay “hấp tấp” giải quyết một số thách thức toàn cầu hiện nay.

Về căng thẳng với Iran về chương trình hạt nhân? “Chúng ta còn nhiều thời gian,” ông Trump nói trước thềm cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. “Không cần phải vội vàng. Họ có thể tận dụng thời gian. Chắc chắn rằng không hề có áp lực thời gian."

Về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc? ông Trump viết trên Twitter hôm 30/6: “Đối với tôi, chất lượng của tiến trình quan trọng hơn tốc độ. Tôi không hề vội vàng, nhưng mọi thứ nhìn chung đang rất tốt đẹp”.

Về Thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên? ông Trump nói: “Chúng tôi không chạy theo tốc độ. Chúng tôi đang tìm cách thực hiện nó một cách hợp lý.”

Lợi ích chính trị tại G20

Trong chuyến thăm ngắn ngày tới châu Á, ông Trump đã công kích các đối thủ đảng Dân chủ ngay cả trước quan khách nước ngoài. Tổng thống Trump có kế hoạch tiến hành nhiều chuyến công du nước ngoài khác trong vòng 16 tháng tới trước thềm cuộc bầu cử. Mọi người đừng nên mong đợi ông từ bỏ vận động hành lang sau khi ông đã vượt qua ranh giới này.

Các phát biểu hùng hồn của ông liên quan đến chính trị trong chuyến công du châu Á đã thu hút sự chú ý tại quê nhà. Ông Ferguson nói: “Trước đây, chưa một ai tấn công tổng thống khi ông ta còn ở nước ngoài. Giờ đây, ông Trump kết bạn với các kẻ thù của chúng ta ngay khi ở trên đất khách và tấn công nước Mỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục