Lễ hội Âm nhạc tại Đà Lạt: Lần đầu nhạc cổ điển được đưa ra khỏi khán phòng

Lần đầu tiên một Lễ hội về âm nhạc được tổ chức ngay tại Thành phố Sáng tạo âm nhạc của UNESCO và cũng là dịp âm nhạc cổ điển được đưa ra khỏi nhà hát, khán phòng để công chúng tiếp cận dễ dàng hơn.

Chuỗi chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển sẽ kéo dài đến ngày 17/3 với nhiều loại nhạc cụ khác nhau như piano, kèn đồng, violin. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Chuỗi chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển sẽ kéo dài đến ngày 17/3 với nhiều loại nhạc cụ khác nhau như piano, kèn đồng, violin. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Lần đầu tiên một Lễ hội về âm nhạc được tổ chức ngay tại Thành phố Sáng tạo âm nhạc của UNESCO (danh hiệu thành phố Đà Lạt vừa được công nhận năm 2023).

Đây cũng là dịp âm nhạc cổ điển được đưa ra khỏi nhà hát, khán phòng để công chúng tiếp cận dễ dàng hơn.

“Thưởng” nhạc dưới tán thông

Lễ hội Âm nhạc cổ điển - Vietnam Classical Music Festival quy tụ hơn 100 nghệ sỹ trong và ngoài nước đã khai diễn tại phố núi Đà Lạt từ ngày 10/3 với nhiều buổi biểu diễn khác nhau. Điều đặc biệt, các chương trình không bó buộc trong không gian nhà hát, khán phòng kín mà được “rải đều” ở nhiều địa điểm khác nhau tại phố núi Đà Lạt.

Khuôn viên Cung đường nghệ thuật và Không gian nghệ thuật Phố bên đồi, khu biệt thự cổ trong rừng thông của Khu nghỉ dưỡng Anna Mandara là những điểm nhấn cho các chương trình công diễn.

Qua ngày thứ 3 của sự kiện, sân khấu dã chiến dưới tán thông già của Đà Lạt là trải nghiệm khó quên đối với khán giả. Phạm Phương Chi (một cô gái thế hệ gen Z) không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức âm nhạc cổ điển khi đến với Đà Lạt trong những ngày này.

ttxvn_le hoi am nhac Da lat.jpg
Nghệ sỹ piano Vũ Hoàng Cương biểu diễn trong buổi hòa nhạc hoàng hôn chiều 12/3. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Chi chia sẻ như những bạn trẻ khác, trước đây, em hay nghe nhạc theo cảm xúc đối với thể loại nhạc đương đại. Tuy nhiên, một dịp tình cờ được nghe nhạc cổ điển, em đã mê. Đối với nhạc cổ điển, phải nghe bằng ý chí, có sự kiên trì, nhẫn nại để thấm thía và mới thấy nó hay như thế nào. Bởi mỗi tác phẩm có một màu sắc, câu chuyện khác nhau.

Không gian nghệ thuật Phố bên đồi (tầng áp mái của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng) luôn nhộn nhịp bởi các chương trình nghệ thuật đưa âm nhạc cổ điển đến tất cả mọi người.

Anh Nguyễn Trung Hiền (nhà sáng lập Phố bên đồi) vui mừng cho biết, khán giả đến với các buổi biểu diễn cứ đông dần lên. Điều này chứng tỏ tình yêu của người dân phố núi và du khách đối với âm nhạc cổ điển không hề nhỏ. Dù đôi khi, chương trình có bị ảnh hưởng bởi các tiếng ồn (tiếng nhạc quán cà phê, tiếng người dân hát karaoke), nhưng cũng sớm được địa phương xử lý giúp cho quá trình biểu diễn khá suôn sẻ.

Hiến kế cho Thành phố Âm nhạc của UNESCO

Sự kiện Lễ hội Âm nhạc cổ điển - Vietnam Classical Music Festival với 17 buổi diễn sẽ kéo dài đến hết ngày 17/3 tới. Bên cạnh các chương trình về âm nhạc, lễ hội còn diễn ra Hội thảo chuyên đề “Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người,” lớp học về âm nhạc cổ điển. Trong đó, Hội thảo “Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người” diễn ra sáng 12/3 thu hút sự quan tâm của nhiều người đam mê âm nhạc.

Dù quy mô nhỏ nhưng Hội thảo đã đề cập được vấn đề nhiều người quan tâm, đó là làm sao mang âm nhạc cổ điển đến với tất cả người dân. Nhạc sỹ Nguyễn Tô Hoàn Phúc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết trước đây, khi nhắc đến nhạc cổ điển, mọi người thường gắn với giới thượng lưu, quý tộc và các khán phòng, nhà hát sang trọng. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, nhạc cổ điển đã phổ biến và tiếp cận người nghe là giới trẻ nhiều hơn thông qua mạng internet hoặc các buổi biểu diễn trong không gian mở.

ttxvn_le hoi am nhac2.jpg
Khán giả chăm chú theo dõi các tiết mục trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp của phố núi Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Các nghệ sỹ biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc tại Đà Lạt lần này còn rất trẻ. Đây cũng là yếu tố góp phần thu hút khán giả trẻ nhiều hơn. Nghệ sỹ piano quốc tế Nguyễn Đức Anh chia sẻ, các nghệ sỹ sẵn sàng hợp tác với địa phương để thực những hiện dự án nhằm xây dựng, cống hiến cho thành phố sáng tạo về âm nhạc như Đà Lạt.

Ví dụ như thực hiện các video, bản thu chất lượng cao về nhạc cổ điển, sau đó phát hành, truyền bá trên các kênh chính thống để phát ở quán càphê, trường học, chợ… Qua đó, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với âm nhạc cổ điển hơn. Anh Nguyễn Trung Hiền (nhà sáng lập Phố bên đồi) đề xuất, các buổi biểu diễn của lễ hội lần này thu hút khá đông khán giả từ người trẻ đến những người lớn tuổi. Điều đó chứng tỏ, công chúng còn quan tâm nhiều đến âm nhạc cổ điển, từ đó giúp lan tỏa danh hiệu Thành phố Sáng tạo âm nhạc của Đà Lạt.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc trong không gian mở, các lớp học về âm nhạc nói chung; đồng thời mong muốn nhận được hỗ trợ nguồn kinh phí từ địa phương, từ công tác tổ chức để thực hiện chương trình âm nhạc nhằm xây dựng một Thành phố Sáng tạo âm nhạc xứng tầm,” anh Hiền kỳ vọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục