Ngày 20/12, đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen khẳng định sẵn sàng triệu tập một phiên họp mới của Ủy ban Hiến pháp ngay khi các bên đạt được sự đồng thuận.
Ủy ban Hiến pháp có nhiệm vụ soạn thảo bản hiến pháp mới cho quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc phái viên Pedersen nói rõ ông và nhóm của ông đã tích cực làm việc với đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập để thúc đẩy triệu tập phiên họp thứ 7 của Ủy ban Hiến pháp.
Cụ thể, tuần trước, ông Pedersen đã đến Damascus và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria và đồng Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp do Chính phủ Syria đề cử.
Trong tháng 10 và tháng 11, cấp phó của ông đã hai lần đến Damascus để tham vấn về một phiên họp mới và có cuộc hội đàm với đồng Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp do phe đối lập Syria đề cử tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Phiên họp trước đó vào tháng 10 đã thất bại do các đồng chủ tịch không thể thống nhất về các cơ chế để tiến hành thêm các cuộc thảo luận về các văn bản hiến pháp được đề xuất. Hai bên cũng không thống nhất được thời gian cho các phiên họp tiếp theo.
Bất chấp những khó khăn, đặc phái viên Pedersen đã nhận thấy tiến bộ có thể đạt được trên mặt trận chính trị. Theo ông, tình trạng bế tắc trên thực địa tới nay đã kéo dài gần hai năm nay và việc không bên nào đạt được lợi thế đã cho thấy giải pháp quân sự là không khả thi đối với tình hình Syria hiện nay.
[Ủy ban Hiến pháp Syria tiến hành đàm phán sửa đổi hiến pháp]
Ông nhấn mạnh nếu các bên cố vượt qua hiện trạng, cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn, đặc biệt là ở khía cạnh nhân đạo, kéo theo khủng hoảng di cư, sự sụp đổ của nền kinh tế, gây chia rẽ đất nước và nguy cơ khủng bố cực đoan.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria hy vọng đây là thời điểm để các bên cân nhắc về sự thỏa hiệp chính trị, mở ra cơ hội cho những bước đi vào năm 2022, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an về lộ trình giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, bao gồm cả cải cách hiến pháp.
Theo ông Pedersen, tình hình tại Syria trong năm nay nghiêm trọng hơn năm ngoái khi đất nước tiếp tục bị chia cắt, nền kinh tế chìm trong suy thoái và đói nghèo. Đáng lo ngại hơn có tới 14 triệu người dân cần hỗ trợ nhân đạo, mức cao nhất kể từ khi cuộc xung đột bùng phát tại quốc gia Trung Đông này và 13 triệu người phải di tản trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ngày 21/12, đặc phái viên của Nga về Syria, ông Alexander Lavrentiev, bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các nhóm khủng bố ở Syria.
Dự kiến, trong ngày 21/12, sẽ diễn ra vòng hòa đàm theo định dạng Astana để giải quyết vấn đề Syria tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Cuộc đàm phán sẽ có sự tham gia của đại diện Nga, Chính phủ Syria, phe đối lập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước khác.
Tại vòng hòa đàm lần này, dự kiến phía Nga và các đối tác sẽ thảo luận về tình hình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria./.