Liên hợp quốc cân nhắc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu 3 mục tiêu cơ bản trong số 34 mục tiêu cụ thể nhằm đánh giá và cân nhắc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Nam Sudan.
Liên hợp quốc cân nhắc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan ảnh 1Binh sỹ thuộc Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tuần tra tại Leer, Nam Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 7/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Nam Sudan đạt được tiến triển trong các vấn đề quản trị đất nước, giải trừ vũ khí và cải thiện đời sống của người dân.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Liên hợp quốc đang cân nhắc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí thêm 3 năm đối với quốc gia này.

Trong báo cáo đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres nêu 3 mục tiêu cơ bản trong số 34 mục tiêu cụ thể nhằm đánh giá và cân nhắc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Nam Sudan.

[Liên hợp quốc cắt giảm lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan]

Ba mục tiêu chính đó là tiến triển trong các vấn đề quản trị và chính trị, giải trừ vũ khí, giải trừ quân bị và tái hòa nhập đối với các binh sỹ tham chiến và tình hình nhân đạo của Nam Sudan.

Tổng Thư ký Guterres cũng nhấn mạnh rằng Sudan và Nam Sudan phải đạt được thỏa thuận về Abyei, khu vực biên giới giàu dầu mỏ hiện đang tranh chấp để phái bộ Liên hợp quốc có thể kết thúc công việc tại đây.

Abyei đã trở thành khu vực tranh chấp kể từ khi Nam Sudan giành độc lập vào năm 2011 và Lực lượng An ninh lâm thời của Liên hợp quốc (UNISFA) phải triển khai hoạt động tại đây sau khi các vụ đụng độ khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nơi cư trú.

Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Guterres nhận định rằng giải pháp lâu dài và bền vững cho khu vực Abyei mà theo đó lực lượng của Liên hợp quốc có thể rút đi là hai nước Sudan và Nam Sudan phải có được mối quan hệ láng giềng thân thiện, đồng thời các bên đạt được thỏa thuận thống nhất về khu vực Abyei với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi.

Hiện có khoảng 4.500 quân, chủ yếu người Ethiopia, thuộc lực lượng UNISFA đang hoạt động trên thực địa tại Abyei.

Nam Sudan vốn là nước nghèo, bị tàn phá trong các xung đột bạo lực kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011 với hơn 380.000 người thiệt mạng.

Cuộc khủng hoảng tại nước này đã phần nào được tháo gỡ hồi tháng 2/2020 sau khi Tổng thống Salva Kiir đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với đối thủ của ông là Riek Machar.

Tuy nhiên, giới quan sát đã cảnh báo nguy cơ nội chiến tái bùng phát do thỏa thuận ngừng bắn chưa mang lại nhiều tiến trình như kỳ vọng.

Cuối năm ngoái, các chuyên gia Liên hợp quốc đã khuyến nghị Liên hợp quốc cần gia hạn lệnh cấm vận vũ khí tại Nam Sudan.

Tổ chức Ân xá quốc tế cũng ủng hộ khuyến nghị vì cho rằng tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường đã tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục