Liên kết du lịch TP.HCM-Đồng bằng sông Cửu Long: Chung sức vượt khó

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, với lợi thế thỏa thuận liên kết giữa thành phố và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.
Liên kết du lịch TP.HCM-Đồng bằng sông Cửu Long: Chung sức vượt khó ảnh 1Các đơn vị, công ty lữ hành, du lịch tìm hiểu thông tin du lịch của các địa phương tại Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề, có những giai đoạn gần như "đóng băng."

Thực hiện chủ trương mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19, góp phần phục hồi phát triển du lịch.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về chủ đề "Đẩy mạnh lợi thế liên kết du lịch Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng bằng sông Cửu Long," nêu rõ những điểm mạnh, lợi thế trong liên kết phát triển du lịch, quyết tâm vượt qua khó khăn, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.

Bài 1: Chung sức vượt khó

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá cao và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian dài chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, bài toán đặt ra là các địa phương này cần liên kết mạnh mẽ hơn nữa, chung sức vượt khó để sẵn sàng "bật trở lại" trong điều kiện bình thường mới.

Giai đoạn hết sức khó khăn của ngành du lịch

Từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi, hiệu quả, mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng, doanh nghiệp du lịch. Tiêu biểu là Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khô hạn, năm 2020 và 2021, ngành du lịch các địa phương này gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng khách giảm kéo theo doanh thu, tăng trưởng ngành du lịch sụt giảm mạnh, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP mỗi địa phương.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, tổng khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6%; tổng thu đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,303 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu của năm), giảm 84,8%; khách du nội địa đạt 18,879 triệu lượt, giảm 48,45%.

Tương tự, ở khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, so với cùng kỳ năm 2019, khách du lịch đạt 27,781 triệu lượt, giảm 41,28%, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26%.

[TP Hồ Chí Minh: Nâng chất nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới]

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong cho biết năm 2019, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đón trên 47 triệu lượt khách; đặt mục tiêu đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đơn cử như cụm phía Tây (gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), trong năm 2019, tổng lượt khách đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; doanh thu đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 nghìn lượt, doanh thu giảm chỉ còn dưới 10.000 tỷ đồng.

Tương tự, tại cụm phía Đông, 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động; 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Điển hình, tổng lượng khách du lịch tại Tiền Giang giảm 87%, doanh thu chỉ đạt 250 tỷ đồng, giảm 78%.

Cùng với đó, các doanh nghiệp lữ hành phải chịu "tác động kép" khi giảm lượng khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú... Ngành du lịch có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự "chống chọi" khi có rủi ro rất thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ năm nước nên phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Phong, trong hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp nỗ lực chấp hành nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời, luôn sẵn sàng tinh thần "bật trở lại" mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.

Thúc đẩy mạnh mẽ dòng khách hai chiều

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo tình hình khó khăn chung của thị trường quốc tế và chính sách kích cầu du lịch nội địa hấp dẫn của các nước, thị trường du lịch quốc tế đến với Việt Nam thời gian tới càng chịu thêm nhiều áp lực. Đây sẽ là "thời điểm vàng" cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa bởi thị trường này vẫn chiếm 2/3 số du khách đến thành phố hằng năm.

Chính vì thế, với lợi thế thỏa thuận liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.

Liên kết du lịch TP.HCM-Đồng bằng sông Cửu Long: Chung sức vượt khó ảnh 2Du khách tham quan cánh đồng muối tại huyện Cần Giờ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo phân tích của Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 trong số 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại 1/3 trong số 20 triệu dân 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh thì điều này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại của người dân.

Bên cạnh đó, với vai trò "cửa ngõ du lịch," Thành phố Hồ Chí Minh cần có các sản phẩm hấp dẫn để hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm chương trình du lịch liên kết.

Theo kế hoạch bước đầu, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long hình thành ba trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm. Đó là tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau; tuyến du lịch "Non nước hữu tình" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh; tuyến du lịch "Sắc màu vùng biên" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Long An-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực đẩy mạnh kích cầu người dân thành phố đến du lịch tại 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, 13 tỉnh, thành phố đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về Thành phố Hồ Chí Minh với mức kích cầu phổ biến là từ 10-20%.

Cùng với đó, các doanh nghiệp lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu đến các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ các chương trình này đều được chào bán và giới thiệu trên website kích cầu du lịch của thành phố (https://kichcaudulichtphcm.vn/danh-muc-san-pham/dong-bang-song-cuu-long).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng thời, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu việc mở lại hoạt động du lịch cần được quán triệt triển khai bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả.

Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án xử lý rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục