Luật pháp - nhân tố cơ bản ngăn chặn chiến tranh

Các nhà lãnh đạo kêu gọi các nước tái cam kết với quy định luật pháp và coi đây là nhân tố cơ bản để ngăn chặn chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi các nước tái cam kết với quy định luật pháp và coi đây là một nhân tố cơ bản trong việc ngăn chặn chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh mối liên hệ quan trọng giữa các quy định luật pháp ở cấp quốc gia và quốc tế, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu ngày 24/9 tại hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 về quy định pháp luật ở cấp quốc gia và quốc tế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định cơ quan luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc tạo cơ sở cho cộng đồng quốc tế để hợp tác và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột cũng như các phương tiện để đảm bảo không tái diễn xung đột.

Ông kêu gọi các nước thành viên thực hiện nghiêm luật pháp ở cấp quốc gia và quốc tế, bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất của các quy định luật pháp trong quá trình ra quyết định và chấp nhận quyền thực thi pháp lý của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đặt trụ sở LaHay, Hà Lan - cơ quan tư pháp chủ yếu do Liên hợp quốc thành lập năm 1945 nhằm giải quyết các tranh chấp pháp lý của các nước khởi kiện.

[Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc khóa họp 67]

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng các nhà nước cũng cần thúc đẩy các sáng kiến của Liên hợp quốc theo quy định luật pháp bằng cách huấn luyện lực lượng cảnh sát và tăng cường ngành tư pháp ở các nước bị xung đột tàn phá và dễ mất ổn định trên khắp thế giới.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Vuk Jeremic một mặt nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện luật pháp quốc gia và quốc tế, mặt khác bác bỏ những quan điểm coi luật pháp quốc tế chỉ như một khát vọng không tưởng không phù hợp với vấn đề thế giới.

Giới chức các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc... cũng nhấn mạnh vai trò cơ bản của quy định luật pháp trong phát triển quốc tế và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc đã thông qua tài liệu yêu cầu tất cả các nước chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) - một tổ chức quốc tế độc lập nhằm xét xử những người bị cáo buộc phạm các tội ác nghiêm trọng nhất tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.

Tài liệu của hội nghị nhấn mạnh bình đẳng chủ quyền của tất cả các nước, quyền tự quyết của các dân tộc mà không chịu sự thống trị thực dân và chiếm đóng của nước ngoài, không can thiệp các công việc nội bộ của các nước khác, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản mà không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo; kêu gọi các chính phủ và nhà nước không ban hành các biện pháp kinh tế, tài chính và thương mại đơn phương để không cản trở sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Văn kiện trên cũng nêu bật vấn đề độc lập, công bằng và thống nhất của hệ thống tư pháp rất quan trọng; nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đảm bảo người phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng đầy đủ như nam giới theo quy định luật pháp và trẻ em không bị phân biệt đối xử, lạm dụng, bạo lực và bóc lột./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục