Luật Thống kê phản ánh đầy đủ, sát thực tình hình kinh tế-xã hội

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý về thống kê.
Luật Thống kê phản ánh đầy đủ, sát thực tình hình kinh tế-xã hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Theo chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 2.

Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án Luật. Việc xây dựng dự án Luật nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia…

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2, Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 cũng sẽ được thay thế bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này. Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu.

[Luật Thống kê hướng tới cung cấp thông tin kịp thời và xác thực]

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá dự án Luật chỉ với 3 điều, dù chưa bảo đảm toàn diện các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 3, nhưng đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn cơ nhất, quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm. Hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu).

Ủy ban Kinh tế lưu ý cần nghiên cứu tách riêng nhóm chỉ tiêu “bình đẳng giới” không ghép cùng lĩnh vực lao động, việc làm; sửa tên nhóm “doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp” thành “tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp), hộ kinh doanh, cơ quan hành chính;” bổ sung nhóm chỉ tiêu riêng cho “kinh tế số, chuyển đổi số;” làm rõ khái niệm, nội hàm, quy định cụ thể về đo lường quy mô nền kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số, hạch toán tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán…

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng thời tích hợp số liệu điều tra 53 dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Báo cáo thẩm tra chỉ rõ qua báo cáo tổng kết 5 năm, nguồn lực, tài chính là một trong những tồn tại, hạn chế của việc tổ chức thực hiện Luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung tăng các chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phải được đánh giá kỹ các tác động về điều kiện nguồn lực, tài chính nhằm bảo đảm việc thực thi Luật có hiệu quả, tránh tình trạng ban hành chỉ tiêu nhưng không thực hiện được.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Tờ trình, Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã có sự tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài sửa đổi danh mục, phụ lục chỉ tiêu thống kê quốc gia còn sửa đổi, bổ sung một số điều của luật và cho rằng việc sửa đổi các nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Từ sự thay đổi phạm vi sửa đổi, bổ sung nên tên của dự án luật đã có sự thay đổi từ Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này xuất phát từ yêu cầu quản lý kinh tế của địa phương, khắc phục trình trạng thiếu số liệu, dữ liệu, thông tin thống kê. Do đó, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc chủ động tính toán thống kê của các Cục thống kê tại các tỉnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cuối khóa XIV đã tiến hành điều chỉnh GDP xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; tuy nhiên, do thiếu các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình, thẩm quyền thực hiện nên quá trình thực hiện gặp khó khăn, lúng túng.

Việc điều chỉnh GDP ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô do Quốc hội quyết định như bội chi, lạm phát, chỉ số giá, thu nhập bình quân đầu người… Do đó, lần sửa đổi này dự thảo Luật đã quy định về việc điều chỉnh GDP là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật; xem xét, bổ sung quy định về việc công bố các chỉ tiêu trước và sau khi điều chỉnh GDP để có căn cứ so sánh đối chiếu. Việc so sánh các chỉ tiêu cũng cần bổ sung kết quả so sánh với quý hoặc tháng liền trước đó, bên cạnh việc so sánh với cùng kỳ của năm trước như hiện hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục