Lực lượng an ninh Libya giải cứu hai con tin Italy bị IS bắt cóc

Theo Thị trưởng thành phố Sabratha Hussein al-Dawadi, hai con tin được giải cứu trong một chiến dịch đột kích nhằm vào nơi ẩn náu của IS tại thành phố này.
Lực lượng an ninh Libya giải cứu hai con tin Italy bị IS bắt cóc ảnh 1Hai con tin Italy vừa được giải cứu. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Giới chức Libya cho biết ngày 4/3 lực lượng an ninh nước này đã giải cứu được hai con tin người Italy bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc vào năm ngoái.

Theo Thị trưởng thành phố Sabratha Hussein al-Dawadi, hai con tin được giải cứu trong một chiến dịch đột kích nhằm vào nơi ẩn náu của IS tại thành phố này.

Chiến dịch được triển khai sau khi lực lượng an ninh nhận được tin các phần tử IS đang ẩn náu tại một số ngôi nhà ở Sabratha. Ông al-Dawadi cho biết hai con tin được giải cứu hiện đang ở một đồn cảnh sát tại Sabratha.

Bộ Ngoại giao Italy cùng ngày đã xác nhận danh tính của hai con tin được giải cứu là Gino Pollicardo, 55 tuổi, và Filippo Calcagno, 65 tuổi, nhân viên kỹ thuật của công ty xây dựng Bonatti. Cả hai đều trong tình trạng sức khoẻ tốt và được hội đồng quân sự Sabratha bảo vệ.

Pollicardo và Calcagno bị bắt cóc cùng với hai nhân viên khác thuộc công ty xây dựng Bonatti của Italy tại khu vực Mellitah, phía Tây thủ đô Tripoli vào tháng 7/2015. Bộ Ngoại giao Italy ngày 3/3 thông báo hai con tin Fausto Piano và Salvatore Failla có khả năng đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa IS và lực lượng dân phòng gần Sabratha.

Sabratha là nơi chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng dân phòng địa phương và IS kể từ sau cuộc tấn công nhằm vào một trại huấn luyện của IS do Mỹ tiến hành ở khu vực ngoại ô thành phố này khiến 50 người thiệt mạng vào tháng trước. Sau đó, IS đã giành kiểm soát trung tâm thành phố Sabratha và chỉ mới bị đẩy lui về ngoại ô tuần trước.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là Quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Tình trạng trên đẩy Libya vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Lợi dụng bất ổn đó, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục