Trên trang cá nhân, ông Liew Chin Tong, cựu Thứ trưởng Quốc phòng và là một học giả uy tín tại Malaysia, đã đưa ra một số khuyến nghị về các biện pháp, chính sách kinh tế mà Chính phủ nước này cần thực hiện để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mở đầu bài viết, ông Liew Chin Tong - Thượng nghị sỹ thuộc đảng Hành động dân chủ (DAP) - cho rằng nếu Malaysia không có các biện pháp đối phó hiệu quả, nhiều người dân sẽ rơi vào nghèo đói và có thể dẫn tới bất ổn xã hội.
Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Không như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm cuối thập niên 1990, giờ đây không quốc gia nào khác, kể cả Mỹ lẫn Trung Quốc, có thể cung cấp các giải pháp giúp đỡ Malaysia.
Không có các quỹ tư nhân và quỹ từ thiện đủ lớn để trợ cấp và giúp đỡ hàng triệu người trong một thời gian dài. Trong bối cảnh hiện nay, Malaysia có thể sẽ cần thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Tăng chi tiêu dành cho y tế
Malaysia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có nhưng Chính phủ chưa đẩy nhanh tốc độ tốc độ chi tiêu để mua các mặt hàng như bộ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và máy thở.
Chuyên gia này cho rằng gói kinh phí bổ sung 1 tỷ ringgit (230 triệu USD) mà Chính phủ phân bổ cho Bộ Y tế trong cơ cấu gói kích cầu kinh tế vừa công bố cuối tháng Ba vừa qua là chưa đủ.
Trong những tuần tới và có thể là các tháng tới, lĩnh vực y tế cần được đầu tư kinh phí nhiều hơn nhằm tăng cường năng lực cho các bệnh viện và trung tâm theo dõi, cách ly cũng như đảm bảo các vật tư y tế, như khẩu trang luôn sẵn có cho người dân.
[Malaysia công bố thêm gói kích thích kinh tế trị giá 2,3 tỷ USD]
Chuyên gia này khuyến nghị trong tương lai, Chính phủ Malaysia cần có tầm nhìn dài hạn, chú trọng mở rộng và củng cố hệ thống y tế nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng như hiện tại cũng như tiềm tàng. Nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang ngày càng cao nhất là trong bối cảnh cơ cấu dân số của Malaysia đang già hóa nhanh chóng.
Tăng biên độ thâm hụt ngân sách
Gói kích thích kinh tế mà Thủ tướng Muhyiddin Yassin công bố ngày 27/3 bao gồm việc bơm 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD) vào nền kinh tế, nhưng thực tế chỉ có 25 tỷ ringgit là chi tiêu tài khóa.
Theo Bộ trưởng Tài chính Zafrul Abdul Aziz, khoản tài chính trị giá 25 tỷ ringgit đạt được thông qua việc cắt giảm kinh phí cấp cho một số bộ cùng với thâm hụt ngân sách ở mức 4% GDP năm 2020 (từ mức kế hoạch ban đầu là 3,2% GDP).
Đến ngày 6/4, theo báo The Star, Chính quyền của ông Yassin tiếp tục đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này.
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giảm nhẹ tác động của Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) được áp dụng trong bối cảnh nước này đẩy mạnh ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ông Liew Chin Tong, Chính phủ Malaysua nên chấp nhận thực tế rằng hiện tại đất nước đang trong “thời kỳ chiến tranh,” có nghĩa là các quy tắc thận trọng tài khóa không thể tiếp tục được áp dụng.
Việc chuyển tiền mặt tới những người có thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu chỉ đáp ứng ở mức giúp họ duy trì cuộc sống trong tháng Tư và tháng Năm.
Ông Liew lưu ý, các khoản bảo lãnh cho vay không đến được với nhiều doanh nghiệp bởi số này không vay được nhiều trong giai đoạn trước đó và với tình hình hiện tại, có thể hiểu được trong tương lai họ thiếu niềm tin khi cân nhắc các hợp đồng vay vốn mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ không nên bị ràng buộc bởi đánh giá của các cơ quan xếp hạng. Hiện tại, những cơ quan này hầu hết quan tâm suy thoái toàn cầu ở mức nào và trong bao lâu mà không chú trọng tới các con số thâm hụt tài khóa.
Cũng không có bất kỳ sai lầm nào khi nhìn nhận thâm hụt tài khóa trong thời chiến có thể lên tới 10% GDP. Theo chuyên gia Liew, GDP có khả năng thu hẹp do vậy sẽ là không hợp lý nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ thâm hụt tài khóa ở mức thấp.
Tất nhiên, ông nhấn mạnh, chi tiêu phải được hạch toán rõ ràng và thực hiện công khai. Chắc chắn không có chỗ cho rò rỉ hay tham nhũng và ngay cả khi khủng hoảng trầm trọng, các cơ quan công quyền cùng với người dân cần luôn trung thực và cảnh giác.
Ngân hàng trung ương thực hiện các động thái táo bạo
Đây là lúc để ngân hàng trung ương xem xét chính sách “helicopter money” - cấp tiền mặt thẳng tới tay người dân - thông qua việc tạo ra nhiều tiền cơ sở hơn và bơm trực tiếp tiền vào nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) không thể bảo thủ trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện tại mà cần chuẩn bị để can thiệp mạnh mẽ, không chỉ để giải quyết các cú sốc kinh tế tức thì mà còn tái thiết lập kỳ vọng của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng và ngăn chặn các cú sốc hiện tại phát triển thành cuộc khủng hoảng niềm tin kéo dài.
Một động thái táo bạo như chính sách “helicopter money” sẽ báo hiệu rõ ràng rằng chính phủ và BNM đã được chuẩn bị để làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn sự sụp đổ mang tính hệ thống, qua đó giúp tăng cường niềm tin của người dân vào nền kinh tế trong tương lai.
Lệnh cấm cho vay trong 6 tháng được công bố là một bước đi đúng hướng, nhưng dường như BNM chỉ có sự chuẩn bị trên cơ sở dựa vào các hoạt động của thị trường trong điều kiện thông thường.
Thay vào đó, ông Liew Chin Tong nhấn mạnh, các ngân hàng nên được yêu cầu chấp nhận không thu các khoản lãi trong giai đoạn này. Đồng thời, ngân hàng sẽ phải chịu một số rủi ro cho các quyết định cho vay mà họ đã tiến hành và thực hiện một số cắt giảm, và người đi vay không nên phải chịu toàn bộ gánh nặng lãi suất cùng rủi ro.
Tuy nhiên, cần thận trọng, ví dụ, bất kỳ việc bơm tiền trực tiếp tới tay người dân không nên chảy vào lĩnh vực bất động sản. Gói kích cầu tiền tệ nên được thiết kế với tiêu chí giảm thiểu tối đa rủi ro thổi phồng bong bóng bất động sản mới và thậm chí tỷ lệ nợ cao hơn như đã từng xảy ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ưu tiên chính sách người lao động Malaysia
Những ai nên nhận trợ cấp từ khoản tiền ngân sách? Ông Liew Chin Tong cho rằng Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp, trước hết giúp họ trả một phần tiền lương nhân công nhằm tạo sự ổn định.
Có thể gọi đây là giai đoạn chữa cháy, nhưng giai đoạn này không thể kéo quá dài. Mục đích của việc hỗ trợ các doanh nghiệp là nhằm bảo vệ việc làm cho người dân Malaysia.
Hàng triệu người Malaysia sẽ mất việc trong những tháng tới. Hàng chục nghìn người Malaysia làm việc tại Singapore và các nước trên thế giới mất việc và trở lại Malaysia. Chính phủ phải có khả năng giúp những người này đảm bảo duy trì cuộc sống cho họ và gia đình, cùng với đó là tạo việc làm cho họ.
Sau giai đoạn chữa cháy đầu tiên này, hỗ trợ tiền lương chỉ nên áp dụng cho người dân Malaysia. Lúc này, Chính phủ có nghĩa vụ về mặt chính trị cũng như đạo đức là đảm bảo số lượng tối đa người dân Malaysia được tuyển dụng.
Các doanh nghiệp nên được cho phép sa thải lao động nước ngoài trên cơ sở danh sách bảng lương, song tiếp tục thực hiện một số nghĩa vụ pháp lý nhằm đảm bảo những người này có đủ thực phẩm và chỗ ở đến khi đủ an toàn để trở về nước. Đây là thời điểm thích hợp để giải thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào lao động nước ngoài.
Tái cơ cấu và thúc đẩy chính sách công nghiệp ưu tiên
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Liew Chin Tong cho rằng đây là cơ hội để Malaysia phát triển ngành cung ứng y tế quy mô lớn hơn nhiều lần so với hiện tại, và nước này nên đầu tư ngân sách xây dựng và thúc đẩy nghiên cứu y học mạnh mẽ hơn.
Ông cũng khuyến nghị việc tạo ra một số công việc giúp thoát khỏi ảnh hưởng cuộc khủng hoảng y tế, chẳng hạn như phi hành đoàn của hãng hàng không được đào tạo lại để giúp ngành y tế trong một năm hoặc có thể lâu hơn.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc này cần phải có nguồn lực và đối tượng chịu trách nhiệm. Đối với Malaysia, đó là các doanh nghiệp đầu tư liên kết với chính phủ (GLIC) và các công ty liên kết với chính phủ (GLC).
Tái cơ cấu danh mục ưu tiên của các doanh nghiệp này có vai trò rất quan trọng. Các công ty này được phép làm những gì mà khu vực tư nhân có thể không được phép, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng hay công nghệ y tế. Trong khi đó, các công ty này cũng cần tập trung đầu tư vào nền kinh tế Malaysia để tạo ra các lĩnh vực mới và tạo ra việc làm cho người Malaysia.
Về tổng thể, đối với các tập đoàn liên kết với Chính phủ này, lợi nhuận không phải là mục đích chính mà cần ưu tiên các mục tiêu kinh tế-xã hội. Đồng thời, quá trình này cần có sự minh bạch để tránh rủi ro đạo đức và xung đột lợi ích.
Chuyên gia này nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong nền kinh tế cần được thể hiện rõ. Đó là hỗ trợ nhiều hơn cho ngành y tế, tạo việc làm và giúp những người bị mất việc, xây dựng các ngành công nghiệp mới thông qua chính sách công nghiệp mạnh mẽ cũng như đầu tư nghiên cứu và phát triển để chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo.
Theo cựu Thứ trưởng Liew Chin Tong, người dân Malaysia cần một chính phủ hoàn toàn hòa hợp, cảnh giác và nhanh nhẹn trong vai trò dẫn đường và lãnh đạo, biến Malaysia trở thành ngôi nhà an toàn cho tất cả người dân, cũng như xây dựng được các ngành công nghiệp mới, tạo việc làm cho người dân Malaysia./.