Malaysia-Việt Nam có nhiều ưu thế thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực

PGS-TS Awang tin tưởng rằng ý định hợp tác, đầu tư và phát triển của thủ tướng hai nước sẽ giúp Malaysia và Việt Nam phát triển trong nhiều lĩnh vực, không chỉ xuất nhập khẩu nông sản và thủy hải sản.
Malaysia-Việt Nam có nhiều ưu thế thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực ảnh 1Phó Giáo sư-Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi trong khu thư viện của trường Đại học Malaya. (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)

Malaysia có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến, trung tâm nghiên cứu và phát triển trong khi Việt Nam lại có nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao và chuyên môn nghiệp vụ tốt. Kết hợp hai yếu tố này, Việt Nam và Malaysia có thể tạo ra nhiều cơ hội phát triển và đầu tư.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi, trường Đại học Malaya, đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong các ngày 20-21/7.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Awang bày tỏ tin tưởng rằng ý định hợp tác, đầu tư và phát triển của thủ tướng hai nước sẽ giúp Malaysia và Việt Nam phát triển trong nhiều lĩnh vực, không chỉ xuất nhập khẩu nông sản và thủy hải sản.

Ông nhấn mạnh trong bối cảnh các nước ASEAN đang hội nhập, hai nước Việt Nam và Malaysia có thể tâp trung vào việc đẩy mạnh khả năng xuất nhập khẩu trong nhiều lĩnh vực.

Theo ông Awang, việc đầu tư và phát triển thương mại song phương sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc của hai nước vào thị trường quốc tế ngoài ASEAN.

Hơn nữa, khi tập trung vào phát triển nông nghiệp và sản phẩm thủy sản, các nước trong ASEAN có thể tận dụng tốt nguồn tài nguyên từ môi trường, giúp bình ổn giá những sản phẩm từ nông nghiệp và hải sản trong khu vực hoặc thậm chí cả thị trường xuất khẩu quốc tế.

Việc bình ổn giá thành giúp các doanh nghiệp có thêm lợi nhuận cũng như cơ hội phát triển và tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn cho thị trường xuất khẩu.

Theo ông, đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ hỗ trợ tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển, đóng góp của hai ngành nông nghiệp và thủy hải sản cho kinh tế của hai nước, góp phần đẩy mạnh sự thịnh vượng của ASEAN.

[Dấu mốc mới trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Malaysia]

Đánh giá về tình cảm giữa nhân dân hai nước khi ngày càng có nhiều có nhiều người Việt Nam sang Malaysia sinh sống, học tập, làm việc và kết hôn, chuyên gia Awang nhận xét ở thời điểm hiện tại, giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng tương tác văn hóa và giao lưu.

Điều này mang lại sự phát triển về nguồn lao động, đa dạng văn hóa, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cơ hội đầu tư và sự hợp tác mới hơn giữa hai nước trong tương lai.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng hơn 30.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Malaysia.

Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế bản địa, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam và tham gia các hoạt động từ thiện cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho những nhà chức trách về mặt quan lý và bảo hộ công dân.

Khi có một cộng đồng người nước ngoài gia tăng về số lượng, công việc của cơ quan chức năng Malaysia là giám sát, đảm bảo an toàn và giúp họ hoàn thành công việc, đảm bảo mục đích đưa họ đến Malaysia.

Việc bảo hộ cần phải đến từ các cơ quan có thẩm quyền của cả hai quốc gia, điểm mấu chốt đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau không chỉ từ phía các cơ quan mà còn là vấn đề của mỗi cá nhân bất kể quốc tịch, lý lịch của họ.

Tựu chung lại, việc người dân hai nước ngày đang gia tăng nhiều tương tác nhất định sẽ dẫn đến sự gia tăng sự trao đổi về văn hóa, kinh tế nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia.

Đánh giá về mối quan hệ lâu bền trong nửa thập niên qua, chuyên gia Awang nhận xét nhìn vào lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, trước khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975.

Thời điểm sau chiến tranh, Malaysia cũng hỗ trợ Việt Nam tái thiết nền kinh tế bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật kinh tế. Đó là giai đoạn đầu tiên trong mối quan hệ giữa hai nước.

Vào thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, Malaysia đã rất hoan nghênh quyết định này. Trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, rất nhiều bản ghi nhớ (MoU) trên nhiều lĩnh vực đã được hai nước ký kết như ngoại giao, quân sự, lao động và thậm chí là công nghệ thông tin…

Tại các diễn đàn đa phương, hai nước cùng chia sẻ những vấn đề chung như quan điểm của ASEAN về an ninh quốc gia và thế giới, việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tiến sỹ Awang đồng thời cho rằng Việt Nam, Malaysia và các nước thành viên khác của ASEAN phải đoàn kết để giải quyết những thách thức và vấn đề chung theo kênh ngoại giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục