Mang tã bẩn về nhà - Quy định gây tranh cãi tại nhà trẻ công ở Nhật

Về nguyên nhân áp dụng quy định này, có 43% số địa phương được hỏi cho biết "để phụ huynh có thể nắm được tình trạng sức khỏe của con," trong khi 30% không nêu lý do cụ thể.
Mang tã bẩn về nhà - Quy định gây tranh cãi tại nhà trẻ công ở Nhật ảnh 1Nhiều nhà trẻ công tại Nhật Bản áp dụng quy định yêu cầu phụ huynh mang tã bẩn của con về nhà. (Ảnh: Mainichi)

Các nhà trẻ công tại khoảng 40% khu vực hành chính ở Nhật Bản đang áp dụng quy định yêu cầu các bậc phụ huynh mang tã hoặc bỉm đã qua sử dụng của con cái họ về nhà. Kết quả khảo sát của một tổ chức tư nhân thực hiện mới đây cho thấy, quy định này gây không ít phiền toái cho các bậc phụ huynh và khiến họ thắc mắc, khi cho rằng việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em trong cộng đồng - việc xử lý tã/bỉm đã qua sử dụng tại các nhà trẻ công -  là một nhiệm vụ hành chính công. 

Một phụ nữ 43 tuổi sống tại Kyoto cho biết mỗi lần đến đón con gái 2 tuổi tại nhà trẻ, cô lại được yêu cầu mang về một chiếc túi đựng những chiếc tã mà con cô đã dùng. Cô vẫn tuân thủ quy định này, nhưng rốt cuộc chỉ để vứt chiếc túi vào thùng rác.

Cô chia sẻ: "Tại sao tôi phải mang tã bẩn về nhà? Tôi chưa bao giờ nói với nhân viên nhà trẻ rằng điều đó thật phiền hà, vì tôi không muốn tạo ra căng thẳng. Nhưng quy định ấy thật khó hiểu."

Từ tháng 2 vừa qua, Baby Job - một công ty chuyên cung cấp tã cho các trung tâm chăm sóc trẻ có trụ sở tại Osaka - đã tiến hành khảo sát về vấn đề này, thông qua phỏng vấn chính quyền, đại diện các nhà trẻ và người dân tại 1.461 khu vực hành chính ở Nhật Bản.

Kết quả cho thấy có tới 39% khu vực hành chính được hỏi đang áp dụng quy định "phụ huynh mang tã đã dùng của con về nhà," 49% thuộc nhóm không áp dụng quy định này và 11% không hay biết về quy định này.

[Công ty khởi nghiệp Nhật Bản chế tạo thiết bị vệ sinh di động siêu nhỏ]

Về nguyên nhân áp dụng quy định này, có 43% số địa phương được hỏi cho biết "để phụ huynh có thể nắm được tình trạng sức khỏe của con," trong khi 30% không nêu lý do cụ thể; 14% cho rằng nhằm giảm tải cho công tác thu gom và xử lý rác thải; 9% thừa nhận để tháo gỡ tình trạng thiếu kinh phí vận hành nhà trẻ.

Theo chính quyền thành phố Kyoto - là một trong những khu vực hành chính đang áp dụng chính sách trên, việc các nhà trẻ yêu cầu phụ huynh mang tã đã qua sử dụng con về nhà đã được áp dụng từ tháng 4/2011, trong bối cảnh các nhà trẻ công tại đây chuyển từ sử dụng tã vải sang tã giấy dùng một lần, nhằm thu hẹp khoảng cách với các cơ sở tư nhân - nơi đồ dùng một lần đã trở thành tiêu chuẩn.

Trong khi đó, ông Yukinori Abe, người phụ trách vấn đề trẻ em trong chính quyền một thành phố cũng áp dụng chính sách tương tự ở tỉnh Fukuoka, cho biết: “Chúng tôi muốn các bậc phụ huynh theo dõi tình trạng sức khỏe của con mình, chẳng hạn như số lần các con đi tiêu. Phụ huynh là người mua bút màu và các vật dụng khác cho trẻ sử dụng tại trung tâm. Và tã/bỉm cũng vậy, phụ huynh phải chịu chi phí tiêu hủy"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục