Manolo, Tây Ban Nha phải tin vào những giọt nước mắt

Manolo không khóc và tiếng trống luôn của ông trên những khán đài sân vận động mà Tây Ban Nha thi đấu cũng sẽ không tắt lịm đi cho dù Tây Ban Nha thất bại.
Manolo, Tây Ban Nha phải tin vào những giọt nước mắt ảnh 1Nhà báo Trương Anh Ngọc và ông Manolo. (Ảnh: Vietnam+)

"Nếu Tây Ban Nha bị loại thì ông có khóc không?” tôi hỏi Manolo. Người đánh trống huyền thoại, cổ động viên Tây Ban Nha nổi tiếng nhất đã theo đội tuyển của xứ bò tót ở bao giải đấu trong những năm qua lắc đầu bảo: "Trận này khó khăn lắm đây. Nhưng nếu có thua và bị loại, tôi cũng sẽ không khóc. Thắng thua là chuyện rất bình thường trong bóng đá."

Tiếng trống vẫn sẽ vang. Nhưng...

Tôi tin là ông không khóc. Manolo không khóc và tiếng trống luôn rền vang của ông trên những khán đài sân vận động mà Tây Ban Nha thi đấu ở những giải lớn tầm cỡ thế giới cũng sẽ không tắt lịm đi, bởi tinh thần của ông không chết, chỉ chừng nào khi người cổ động viên huyền thoại ấy chết. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với ông bên ngoài sân Maracana trước trận Tây Ban Nha-Chile, ông nói với tôi, rằng hy vọng của đội bóng xứ bò tót rất thấp và người hâm mộ Tây Ban Nha sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những điều xấu nhất có thể xảy ra.

Một sự biến chuyển lớn đối với nhận thức của người Tây Ban Nha về cơ hội của họ tại World Cup sau trận thua Hà Lan? Trong chuyến bay của tôi từ Madrid sang Brazil, những người Tây Ban Nha cùng chuyến đã ra sức thuyết phục tôi, vốn không tin lắm vào khả năng bảo vệ thành công chức vô địch của họ, rằng Tây Ban Nha vẫn rất mạnh và không thiếu khát khao chinh phục. Bây giờ, khi Tây Ban Nha của họ đã thua trận thứ hai liên tiếp và chính thức bị loại, không hiểu họ đang nghĩ gì.

Nhưng đã có những người bật khóc. Tôi đã thấy một nữ cổ động viên trung niên của Tây Ban Nha quệt nước mắt trong một quán ăn ở gần sân Maracana. Bà và các con bà không có vé. Họ sang Rio de Janeiro là để gần đội tuyển, để lấy không khí World Cup và cũng là để đi du lịch. Nhưng trong cái ngày mà Vua Juan Carlos thoái vị, nhường ngôi cho con trai, thì trên sân Maracana huyền thoại, nhà Vua của bóng đá thế giới đã băng hà, theo một cách sốc nhất có thể: thủng lưới 7 bàn trong chỉ 2 trận, gấp đôi tổng số bàn thua của họ trong 13 trận trước đó ở các giải World Cup 2010 và EURO 2012.

Bà khóc có lẽ không phải vì đội đã bị loại, những thất bại trước sau gì cũng đến, mà vì niềm tin lớn lao vào sức mạnh Tây Ban Nha như của mấy hành khách cùng chuyến bay với tôi đã sụp đổ. Họ đã từng tin rằng, đội bóng của họ vẫn thèm khát chinh phục sau khi đã đoạt 3 danh hiệu liên tiếp trong vòng 6 năm, hơn cả đội CHLB Đức những năm 1970 (vô địch EURO 1972, vô địch World Cup 1974, á quân EURO 1976). Trên thực tế, họ không còn sức để mà chạy theo các đối thủ nữa. Trận đấu với Australia ở ngày cuối cùng của vòng bảng là lúc Tây Ban Nha nhảy điệu flamenco cuối cùng.

Đâu rồi, Iniesta, người đã ghi bàn quyết định trong trận chung kết thắng Hà Lan bốn năm về trước? Anh vẫn còn đấy, nhưng bất lực và chìm nghỉm trong một biển màu đỏ buồn tẻ và thê lương như máu của con bò tót bị đâm trúng tim. Đâu rồi Puyol, người hùng đã ghi bàn vào lưới Đức trong trận bán kết World Cup 2010? Anh đã giải nghệ và giờ chỉ còn là một quá khứ vàng son. Đâu rồi Xavi, biểu tượng của một Tây Ban Nha-giành-được-tất-cả, người mà các huấn luyện viên Aragones và Del Bosque đã dựa vào anh để xây dựng lối chơi? Anh bị đầy lên ghế dự bị, ở trận gặp Chile, trận mang tính then chốt.

Còn Torres nữa, người đã ghi bàn đem EURO 2008 cho người Tây Ban Nha, mở ra một chu kỳ thắng lợi, cũng là người đã ghi bàn bốn năm sau đó đem đến chiến thắng ở EURO 2012, đang ở đâu? Anh ở trên sân, nhưng không ai nhìn thấy mặt. Những nhân tố quan trọng nhất của các chiến tích lẫy lừng ấy hoặc đã ra đi, hoặc không còn tồn tại trên sân bóng. Chỉ còn mỗi Manolo và tiếng trống của ông, nhưng nó cũng lọt thỏm và cô độc trong tiếng gào của hơn 4 vạn cổ động viên Chile trong sân. Họ thích thú nhìn những người Tây Ban Nha lao vào họ như chàng Don Quijote lao mình vào cối xay gió.

Thi sỹ Garcia Lorca từng viết về một người đấu bò, rằng “tambien se muere el mar” (Rồi biển cũng chết). Người đấu bò ở Maracana đêm 18/6 không phải là Tây Ban Nha như thường lệ, mà họ là con bò tót, và hai bàn thắng của Vargas và Aranguiz trong hiệp 1 là hai nhát đâm chí tử kết liễu mạng sống của nó, sau khi nó đã trọng thương vì những người Hà Lan.

“Chiến thắng, cho cả những người đã chết”

Manolo, ông không khóc, nhưng Tây Ban Nha phải tin vào những giọt nước mắt. Không phải nước mắt của những người Tây Ban Nha, mà là của những người đã bị họ làm cho đau đớn trong vòng 6 năm qua ở hai EURO và một World Cup, và những giọt nước mắt ấy tạo nên động lực để họ tìm cách đánh bại đội bóng của Del Bosque. Nhưng đó cũng là nước mắt của những người khác, không phải bị Tây Ban Nha đánh bại trên sân bóng, mà là những nạn nhân của số phận nghiệt ngã. Chile hiểu điều đó hơn ai hết.

Một trận động đất kéo theo sóng thần vào năm 2010 đã khiến hơn 500 người chết và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Cũng năm ấy, một vụ sập hầm đã khiến 33 thợ mỏ mắc kẹt trong lòng đất 69 ngày cho đến khi được cứu. Mới đây thôi, vào tháng Tư, mặt đất lại rung lên giận dữ, và động đất lại khiến người Chile rơi nước mắt. Những nỗi đau đã thử thách cả một dân tộc, và đội tuyển của quốc gia ấy mang trên mình trách nhiệm tinh thần để giúp họ vượt qua khó khăn.

Đêm Maracana, Vidal, Alexis Sanchez và các đồng đội của anh đã làm được điều ấy bằng sức mạnh phi thường. Họ đã chiến thắng. Hàng nghìn cổ động viên Chile tạo thành một đám rước dài và phấn khích trên những con phố của Rio de Janeiro, hô vang thành nhịp "Chi Chi Chi, Le Le Le, Viva Chile."

Marcelo Fuentes, đã mất một người bạn trong trận động đất năm 2010, nói với tôi, "người Tây Ban Nha không hiểu được nỗi đau của những mất mát. Đội tuyển Chile có sức mạnh, bởi phải họ chiến đấu và chiến thắng cả cho những người đã chết bốn năm trước trong trận động đất." Người cổ động viên đến từ Santiago de Chile ấy nói thiếu một điều: bây giờ thì đến lượt người Tây Ban Nha hiểu được nỗi đau mất mát, trong bóng đá. Họ đã chiến thắng tất cả, đã đoạt được tất cả, đã được coi như những vị thần của bóng đá thế giới trong 6 năm. Để rồi, chỉ trong mấy ngày, ở một nơi cách quê hương nửa vòng trái đất, họ sụp đổ và nhận ra, họ cũng chỉ là những con người.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục