Maroc ngăn 150 người di cư châu Phi vào lãnh thổ Tây Ban Nha

Các lực lượng an ninh Maroc đã ngăn chặn 150 người và bắt giữ 70 người di cư từ châu Phi cận Sahara đang tìm cách tới vùng đất Ceuta của Tây Ban Nha.
14 thành viên của lực lượng an ninh và 6 người di cư đã bị thương khi đụng độ xảy ra tại thị trấn biên giới Fnideq của Maroc. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các lực lượng an ninh Maroc ngày 14/4 đã ngăn chặn 150 người và bắt giữ 70 người di cư từ châu Phi cận Sahara đang tìm cách tới vùng đất Ceuta của Tây Ban Nha.

Lực lượng an ninh cho biết những người di cư "được trang bị gậy, đá, dao" và đã chống trả khi bị ngăn chặn vượt biên.

Theo các nguồn tin địa phương, 14 thành viên của lực lượng an ninh và 6 người di cư đã bị thương khi đụng độ xảy ra tại thị trấn biên giới Fnideq của Maroc.

[EC giữ nguyên kế hoạch hành động về người di cư tại Địa Trung Hải]

Lực lượng an ninh đã bắt giữ 70 người di cư quá khích, trong khi những người bị thương được đưa đến điều trị tại bệnh viện.

Nằm trên bờ biển phía Bắc của Maroc, Ceuta (cùng với Melilla) từ lâu đã trở thành "thỏi nam châm" thu hút những người di cư tuyệt vọng mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Hai vùng đất này là những phần lãnh thổ duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) có chung biên giới với châu Phi và thường xuyên chứng kiến nỗ lực vượt biên trái phép của người di cư ở Maroc.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết mặc dù tỷ lệ di cư bất hợp pháp đến Tây Ban Nha đã giảm 25% trong năm ngoái, nhưng những cuộc vượt biên bí mật qua hai vùng đất này đã tăng 24,1% vào tháng Một năm nay.

Cũng liên quan vấn đề người di cư, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia thông báo đã vớt được thêm 8 thi thể của người di cư trong vụ đắm tàu mới đây tại Tunisia, nâng số người thiệt mạng trong thảm kịch này lên 32 người.

Vụ việc xảy ra vào ngày 11/4 khi chiếc thuyền gỗ chở khoảng 110 người di cư trái phép từ khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi tới châu Âu bị chìm ở Địa Trung Hải, khu vực ngoài khơi thành phố Sfax, miền Trung Tunisia.

Tunisia, với một số khu vực có bờ biển chỉ cách đảo Lampedusa của Italy chưa đến 150 km, thường xuyên ghi nhận những cuộc vượt biên của người di cư, chủ yếu đến từ các quốc gia phía Nam sa mạc Sahara, để tới Italy.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Tunisia "đóng góp" khoảng 60% số người di cư tới châu Âu qua Địa Trung Hải.

Ngoài ra, khoảng 64% số nạn nhân thiệt mạng trên các tuyến đường di cư qua Địa Trung Hải trong năm nay là người châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục