Áp dụng mô hình 'ba tại chỗ' và mối lo của các doanh nghiệp

Để tránh đứt gãy sản xuất ở vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất-xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đã nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ."
Áp dụng mô hình 'ba tại chỗ' và mối lo của các doanh nghiệp ảnh 1Công nhân Công ty TNHH Compass II tại Bình Dương chuẩn bị tâm thế 3 tại chỗ. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng, chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ, Bắc Giang, Bắc Ninh đã vận hành tương đối hiệu quả mô hình “3 tại chỗ.”

“3 tại chỗ”...

Khi làn sóng dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, bài học kinh nghiệm từ hai địa phương trên đã được áp dụng.

Những nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn, hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy còn hạn chế, không sẵn sàng cho hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng trăm, hàng nghìn con người.

Để tránh đứt gãy sản xuất ở vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất-xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đã nỗ lực áp dụng mô hình “3 tại chỗ.”

[Duy trì sản xuất giữa tâm dịch: Cần giải pháp hỗ trợ nhanh, hiệu quả]

Song, việc thực hiện là vô cùng khó khăn vì điều kiện nhà xưởng, ký túc xá khó đáp ứng và số lượng người lao động quá lớn. Bên cạnh đó, nhiều người do sợ lây bệnh đã không đồng ý ở lại nhà máy.

Ông Phạm Ngọc Phước, Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture, cho biết thực hiện “3 tại chỗ” không phải vì lợi ích của doanh nghiệp, vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều, nhưng doanh nghiệp vẫn chọn vì có duy trì sản xuất thì công nhân mới có thu nhập...

Để triển khai, doanh nghiệp này phải thực hiện 4 bước quan trọng: 4 lần họp để kêu gọi và đạt được sự đồng thuận của 65% người lao động; test COVID-19 đầu vào; lo chỗ ăn uống, ngủ, nghỉ cho người lao động (chỉ được chuẩn bị trong vòng 48 tiếng) và phải chuẩn bị nguyên, vật liệu đủ cho sản xuất.

Còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Hạnh Phúc (Bình Dương) đã phải xây dựng thêm 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, phân theo các khu vực.

Người lao động đều được test nhanh, test RT-PCR, có người được test tới 5 lần.

Công ty cũng thiết lập tới 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của người lao động với tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập." Chi phí để thực hiện được mô hình này là nhiều vô kể.

Áp dụng mô hình 'ba tại chỗ' và mối lo của các doanh nghiệp ảnh 2Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định giãn cách sẽ là nơi phục vụ miễn phí 3 bữa ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian cắm chốt tại công ty. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2021, do bốn Hiệp hội: Dệt may Việt Nam (VITAS), Da-Giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) đồng ký tên cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành trên đạt gần 150 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần nuôi sống trên 8 triệu lao động và có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ cho các ngành này.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của 4 ngành đều có tốc độ tăng trưởng từ 15-20%.

Năm 2021 tổng cầu các mặt hàng của 4 ngành tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đã tăng mạnh so với năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến cuối năm, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu và đóng góp vào việc gia tăng GDP cho năm 2021 và các năm tới đang trên đà phát triển rất tốt.

Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Bộ Y tế cùng chính quyền địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ.” Song, do các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động nên không đủ khả năng triển khai.

Do vậy, trên 90% doanh nghiệp phải chấp nhận dừng sản xuất, làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Về dài hạn, việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của các nhãn hàng, các nhà nhập khẩu về thị trường Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, toàn ngành đang có cơ hội rất lớn về đơn hàng khi các doanh nghiệp đã nhận đơn đến quý 4/2021, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có cả đơn hàng sang quý 1/2022. Sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt tới gần 18,8 tỷ USD.

Song, dịch COVID-19 thay đổi đột biến trong 3 tháng qua, đã kéo toàn bộ mục tiêu của quý 3/2021 đi xuống.

19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến hàng loạt nhà máy đóng cửa, nhiều đơn hàng đã bị chuyển sang nước thứ 3. Một số doanh nghiệp phải nhờ các đơn vị phía Bắc sản xuất, nhưng tỷ lệ là rất thấp so với số đơn hàng bị ứ đọng không sản xuất được ở khu vực phía Nam. Nguy cơ bị rút đơn hàng hoặc bị phạt vì không đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng là rất cao.

Đứng trước vấn đề trên, một số doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nhưng hiệu quả thấp và vô cùng khó khăn.

“Chưa bao giờ ngành dệt may gặp thách thức, khó khăn như vậy, có đơn hàng nhưng không sản xuất được, làm đứt gãy nguồn cung của ngành,” ông Giang nói.

Phân tích của người đứng đầu Hiệp hội có số lao động lớn nhất nước hiện nay cho thấy với các ngành sợi, dệt, lực lượng lao động không lớn, nên có thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ.”

Riêng ngành may, từ trước đến nay chưa có nhà máy may nào quy mô sản xuất đủ để thực hiện mục tiêu “3 tại chỗ,” nên khi dịch xảy ra, lực lượng lao động làm việc theo mô hình này chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng lực lượng lao động ở khu vực phía Nam hiện nay.

... và những chùm lây nhiễm

Thực tế cho thấy không thể có một đáp án chung cho các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ.” Việc áp dụng mô hình này ở các tỉnh, thành phố phía Nam không mấy hiệu quả, thậm chí đây chính là nơi dịch bệnh khu trú và loang ra rất nhanh, thành những chùm lây nhiễm.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Timberland (Tân Uyên, Bình Dương) có 7.783 lao động. Từ ngày 17/7 đến nay, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Công ty đã tổ chức cho gần 1.500 người lao động ở tại công ty làm việc, thực hiện “3 tại chỗ,” trong đó có 165 lao động nước ngoài.

Áp dụng mô hình 'ba tại chỗ' và mối lo của các doanh nghiệp ảnh 3Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam) tại Bình Dương thực hiện 3 tại chỗ cho 700 lao động. (Ảnh: TTXVN)

Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, Công ty đã tổ chức nhiều đợt test nhanh và test RT-PCR cho trên 1.500 người; đã phát hiện 233 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đa phần các trường hợp dương tính đều cách ly tại ký túc xá, chỉ một số được đưa đi cách ly tập trung. Nhiều trường hợp dương tính thường xuyên bị sốt cao, mệt mỏi. Đặc biệt, nhân viên tình nguyện chăm sóc cho các ca dương tính tại khu cách ly cũng đã nhiễm bệnh. Do đó, Công ty không có lực lượng trực tiếp chăm sóc, thăm khám cho bệnh nhân.

“Việc để các ca dương tính ở lại thật sự là vấn đề vượt ngoài khả năng xử lý của Công ty, có nguy cơ đe đọa đến an toàn sức khỏe, gây hoang mang tinh thần công nhân viên còn lại. Mặt khác, hiện tại khu vực cách ly của Công ty đã được bố trí ở kín các phòng, trong thời gian tới, nếu phát hiện ca dương tính mới sẽ không còn chỗ bố trí cách ly,” đại diện Công ty này chia sẻ.

Để bảo đảm cho sản xuất, Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (Dĩ An, Bình Dương), đã bố trí cho 300/800 công nhân sản xuất theo tiêu chí “3 tại chỗ” từ ngày 10/7, số này đều đã được test cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Thế nhưng, ngày 20/7, Công ty này đã phát hiện ca F0 đầu tiên qua test nhanh và chỉ trong vòng 5 ngày, số ca F0 đã lên đến 248 người, trong đó có trường hợp đã tử vong.

Trong công văn khẩn gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này cho biết “đã kiệt sức, không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng, chống dịch được nữa”. Họ chỉ mong chính quyền giải quyết đưa người đi chữa trị và về nhà tự cách ly.

Bất an là tâm trạng của nhiều doanh nghiệp khi thực hiện “3 tại chỗ”. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không biết nguồn lây đến từ đâu. Khi phát hiện, test sàng lọc thì đã có rất nhiều người dương tính.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, chia sẻ Công ty ông cũng đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Lúc bắt đầu vào thực hiện, Công ty cho test sàng lọc nhanh người lao động cả 3 phân xưởng, 100% cho kết quả âm tính, sau 3 ngày test sâu RT-PCR cũng cho kết quả âm tính toàn bộ. Thế nhưng, sau 12 ngày sản xuất, một phân xưởng may test nhanh lần 3 ra 19 ca dương tính/196 công nhân. Công ty buộc phải ngừng sản xuất để tìm nguyên nhân, cuối cùng, chỉ có anh bán nước trái cây qua hàng rào, bị dương tính trước đó 8 ngày.

Trên địa bàn thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có khoảng 1.000 đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” để tiếp tục sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Song, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều ca dương tính được phát hiện trong doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ,” doanh nghiệp thiếu hụt nguyên vật liệu để sản xuất... do đó một số doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất “3 tại chỗ.”

Tuy nhiên, “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông,” theo công văn số 2520/UBND-VX của Ủy ban Nhân dân thị xã Tân Uyên phát đi ngày 28/7, doanh nghiệp muốn dừng sản xuất phải tổ chức xét nghiệm toàn diện cho người lao động trước khi cho họ ngừng việc trở về nơi cư trú.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí xét nghiệm cho toàn bộ số lao động trước đây, đầu tư cơ sở vật chất cho thực hiện “3 tại chỗ,” nay không được sản xuất nhưng vẫn phải bỏ chi phí tiếp tục xét nghiệm cho người lao động và đều là phải test RT-PCR với mức chi phí rất đắt đỏ, từ hơn 700.000 đến cả triệu đồng/mẫu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục