Mô hình cấp cứu ngoại viện sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Mô hình cấp cứu ngoại viện mới và xã hội hóa cấp cứu ngoại viện là yêu cầu bức thiết đang được đặt ra để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân khi cần gọi cứu thương ngoại viện.
Mô hình cấp cứu ngoại viện sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình cấp cứu ngoại viện, bên cạnh trung tâm cấp cứu 115 của ngành y tế công.

Mô hình cấp cứu ngoại viện mới và xã hội hóa cấp cứu ngoại viện là yêu cầu bức thiết đang được đặt ra để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân khi cần gọi cứu thương ngoại viện.

Người dân chưa “mặn mà” với hệ thống cấp cứu hiện tại

Theo thống kê của ngành y tế, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 200 xe cấp cứu, tuy nhiên số xe cấp cứu này chủ yếu được dùng để chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện. Xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 cũng chủ yếu phục vụ yêu cầu nhân các hội nghị, lễ hội...

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chưa hình thành được một cơ quan điều hành thống nhất hệ thống cấp cứu hiện có để khai thác và sử dụng hiệu quả, nên người dân chưa tin tưởng.

Phản ánh của nhiều người dân cho thấy khi gọi cấp cứu 115 nhanh nhất cũng phải mất trên 15 phút xe mới tới chỗ người bị nạn. Vì xe cứu thương không tới kịp thời nên nhiều trường hợp đã không tận dụng được thời gian vàng để cứu sống người bị nạn. Lo ngại xe cấp cứu chậm trễ nên nhiều người đã lựa chọn những phương tiện khác để di chuyển tới bệnh viện khi cần.

Anh Trần Tuấn Vũ sống ở quận Gò Vấp, có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ: “Cách đây một ngày con tôi bị sốt cao trên 40 độ C, bị co giật liên hồi, khó thở. Nếu gọi xe cấp cứu sẽ không kịp thời nên tôi đã gọi taxi đưa con tới bệnh viện. Nhờ nhanh chóng đưa vào bệnh viện mà giờ đây tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định.”

Thế nhưng không phải ai cũng may mắn được cứu sống khi di chuyển bằng các phương tiện như taxi, xe gắn máy. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do người vận chuyển không có chuyên môn và phương tiện vận chuyển không phù hợp.

Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cấp cứu của Thành phố chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân nên họ chưa dùng nhiều. Và khi xảy ra tình huống khẩn cấp thì người dân sẽ sử dụng bất cứ cách nào có thể để cấp cứu.

Tuy nhiên, người bị nạn cần cấp cứu tại chỗ và cần vận chuyện đúng cách, nhưng do không được cấp cứu tại chỗ lại được vận chuyển bằng những phương tiện không an toàn sẽ có nhiều sự cố xảy ra.

Chẳng hạn người bị gãy xương đùi do không được sơ cấp cứu, xương gãy sẽ đâm vào các mạch máu khiến mất máu nhiều dẫn đến tử vong, hay bị gãy cột sống lại không được cố định chỗ gãy trước khi di chuyển thì khi đến bệnh viện có cứu được cũng bị liệt suốt đời.

Khi bị nạn, người dân vẫn cần được hỗ trợ bằng các phương tiện chuyên nghiệp, đội ngũ sơ cứu có chuyên môn để có thể sơ cấp cứu ban đầu và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Vì vậy, ngành y tế Thành phố cần cải thiện hệ thống cấp cứu ngoại viện hiện có để đáp ứng nhu cầu của người dân.


Mô hình cấp cứu ngoại viện “Paramedic”

Sở dĩ Trung tâm cấp cứu 115 chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là về thời gian, một phần do trung tâm chỉ có năm trạm cấp cứu vệ tinh với sáu xe cấp cứu. Con số này còn quá ít so với quy mô dân số của thành phố trên 8 triệu người, nhất là tình trạng giao thông thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm.

Nhưng muốn tăng số trạm cấp cứu lại không tuyển được bác sỹ, điều dưỡng cho các trạm. Chính vì vậy, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ phát triển Trung tâm cấp cứu 115 bằng cách không sử dụng bác sỹ, điều dưỡng mà sử dụng “Paramedic” - nhân viên sơ cấp cứu ngoại viện.

Bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Paramedic không phải là bác sỹ, điều dưỡng, nhưng vẫn có chuyên môn sơ cứu chuyên nghiệp đi theo xe cấp cứu. Họ được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ sau khi học xong phổ thông hoặc từ điều dưỡng... được đào tạo chương trình cấp cứu y tế ngoại viện.

Các nhân viên này sau khi tốt nghiệp cơ bản (trung cấp) sẽ phải thực hành thêm một năm mới được cấp bằng chứng nhận nhân viên cấp cứu y tế ngoại viện và đi làm tại trung tâm cấp cứu. Ngoài ra, các bệnh viện sẽ không có xe cứu thương, chỉ có các trạm cấp cứu mới có xe cứu thương và chịu trách nhiệm vận chuyển người bệnh. Mô hình này được triển khai ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Canada, Mỹ...

“Đây là mô hình tối ưu nhất cho Thành phố bởi các công tác sơ cấp cứu ban đầu không phải chỉ có bác sỹ, điều dưỡng mới có thể làm được. Hiện tại, việc đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện đang được triển khai với sự hỗ trợ của các trường đại học nước ngoài. Theo đó, chương trình đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, chúng ta không chỉ đào tạo đội ngũ Paramedic cho Thành phố mà còn có thể cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh trong khu vực và có thể cho các nước có mô hình này. Hệ thống cấp cứu của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của người dân khi thành phố mạnh dạn đổi mới hệ thống cấp cứu ngoại viện theo mô hình Paramedic,” bác sỹ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Đa dạng các mô hình cấp cứu ngoại viện theo hình thức xã hội hóa

Bên cạnh Trung tâm cấp cứu 115, gần đây các cơ sở y tế tư nhân trong và ngoài nước tại Thành phố cũng phát triển mô hình cấp cứu ngoại viện. Điều này phù hợp với chủ trương xã hội hóa y tế của thành phố, đồng thời giúp người dân có thể lựa chọn những dịch vụ cấp cứu tốt nhất phù hợp khả năng tài chính của họ.

Hiện tại, Thành phố có những trung tâm cấp cứu tư nhân đang hoạt động như Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS, trung tâm cấp cứu của phòng khám Family Medical Practice Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài). Đây là những mô hình mới, tiên phong hiện đại và có sự khác biệt so với dịch cụ cấp cứu 115 hiện có của thành phố.

Riêng Trung tâm cấp cứu của Family Medical Practice Việt Nam sử dụng phần mềm ProQA với hơn 1.500 phác đồ xử lý tình huống y tế. Dựa vào phần mềm được thiết lập sẵn, nhân viên điều phối tổng đài cấp cứu và chuyên viên cấp cứu ngoại viện sẽ đặt ra các câu hỏi cần biết hoặc hướng dẫn người gọi báo cấp cứu các bước cần thiết để giúp bệnh nhân, đồng thời đánh giá tình huống và đưa ra quyết định có xuất phát xe cứu thương hay không.

Theo bác sỹ Rafi Kot, Tổng Giám đốc Family Medical Practice Việt Nam, phần mềm này đã được dịch ra tiếng Việt để phục vụ người Việt. Thêm vào đó xe cứu thương có trang thiết bị hiện đại như một phòng cấp cứu thu nhỏ nên sau khi đưa bệnh nhân lên xe, nhân viên cấp cứu ngoại viện sẽ thực hiện cấp cứu tiếp cho bệnh nhân.

Hiện tại phần mềm này được sử dụng tại 52 nước trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 53. Và tất cả các nước đều cho ra thông số chứng minh khi sử dụng hệ thống cấp cứu, tỷ lệ chết giảm được 30%.

Về mặt y khoa đó là con số rất lớn nhờ tận dụng được “thời gian vàng” trong cấp cứu. Hiện tại Family Medical Practice Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ này cho người dân ở quận 1, 2, 3 và khi đã ổn định sẽ mở rộng toàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác.

Còn khi sử dụng dịch vụ cấp cứu của Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS khách hàng được cấp một thiết bị có chức năng định vị và gắn sẵn phím nhấn gọi cấp cứu SOS. Nhờ chức năng định vị nên khi khách hàng nhấn phím SOS lập tức tổng đài điều hành trung tâm sẽ xác định vị trí khách hàng và phát lệnh xe cấp cứu ở gần khách hàng nhất.

“Không chỉ có xe ôtô cấp cứu với trang bị đầy đủ và hiện đại, Vạn Khang SOS còn có một mạng lưới xe môtô cấp cứu để luôn tiếp cận nhanh nhất với khách hàng, nhất là trong tình trạng tắc đường hoặc nhà trong hẻm sâu. Xe môtô được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu như trên xe ôtô, kể cả máy điện tim, sốc tim... để thực hiện cấp cứu tại chỗ hiệu quả, sau đó sẽ chuyển lên xe cứu thương đưa đến bệnh viện vì xe mô tô không vận chuyển bệnh nhân. Khách hàng sẽ trả 6 triệu đồng/năm khi sử dụng dịch vụ này,” ông Lê Trường Minh, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS cho biết.

Dịch vụ cấp cứu ngoại viện dù công hay tư đều mong muốn có thể phục vụ tốt, hiệu quả và mang lại sự an toàn cho bệnh nhân. Để hệ thống cấp cứu ngoại viện này phát triển vẫn cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sở, ngành, chẳng hạn về Chương trình đào tạo Paramedic cần nhanh chóng được Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp thẩm định và công nhận hay tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở y tế nhập xe cứu thương có đầy đủ trang thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục