Nhằm nâng cao khả năng ứng phó, xử lý, điều tra các tình huống ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn, ngày 13/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn với sự tham gia của lực lượng y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mục tiêu của buổi diễn tập nhằm chuẩn hóa quy trình điều tra, xử lý, khắc phục, giảm thiểu hậu quả tác động sức khỏe, trật tự xã hội gây ra bởi ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm của các đơn vị chức năng.
Theo tình huống giả định, vào lúc 15 giờ 30 ngày 13/12 tại công ty N.V (Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều công nhân công ty có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn và một số biểu hiện tiêu chảy đang tập trung tại Phòng Y tế của công ty. Các phân xưởng sản xuất cũng thông báo nhiều công nhân có biểu hiện tương tự.
Công ty có tổ chức bữa ăn trưa tập thể cho toàn bộ 5.000 công nhân.
Phòng Y tế nhanh chóng báo cho lãnh đạo công ty và gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay khi tiếp nhận thông tin từ cơ sở, một quy trình xử lý tình huống được triển khai với nhiều đơn vị tham gia. Các phương án khám sàng lọc, sơ cấp cứu nhanh chóng được thực hiện tại cơ sở, đồng thời huy động các lực lượng y tế xung quanh tiếp ứng khi số bệnh nhân tăng cao.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng lấy mẫu thức ăn, mẫu bệnh phẩm liên quan để điều tra nguyên nhân vụ việc, ngăn chặn nguồn thực phẩm bị nghi ngờ lưu thông ra thị trường, đồng thời xử lý môi trường và dịch bệnh tại khu vực.
Với sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng của các đơn vị, vụ ngộ độc được kiểm soát và mức độ thiệt hại được hạn chế ở mức tối đa.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Việc diễn tập sẽ nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân đồng thời giúp các đơn vị, cả doanh nghiệp lẫn ngành y tế, nắm được quy trình khi xảy ra sự cố về ngộ độc thực phẩm. Các vụ việc ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp-khu chế xuất thường rất lớn, cần phải có quy trình xử lý, điều tra kịp thời để hạn chế những thiệt hại.
Hiện nay, Việt Nam hiện có trên 250 khu công nghiệp-khu chế xuất. Trung bình hàng năm xảy ra khoảng 15 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các khu này với khoảng 1.400 bệnh nhân./.