Mỹ dành nghi lễ đặc biệt đón tiếp Tổng thống Pháp

Ngày 11/2, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã dành nghi lễ đón tiếp đặc biệt cấp nhà nước cho Tổng thống Francois Hollande.
Mỹ dành nghi lễ đặc biệt đón tiếp Tổng thống Pháp ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) bắt tay Tổng thống Pháp Francois Hollande tại cuộc gặp. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Ngày 11/2, tại khuôn viên Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã dành nghi lễ đón tiếp đặc biệt cấp nhà nước cho Tổng thống Francois Hollande, đồng thời ca ngợi mối quan hệ liên minh Mỹ-Pháp là bền chặt.

Đây là chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp trong gần hai thập kỷ qua.

Sau lễ nghênh đón long trọng, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bước vào cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục.

Phát biểu với báo giới trước khi bước vào hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi mối quan hệ liên minh lâu đời giữa hai nước được mô tả là “rất hiểu nhau và nặng nợ với nhau.”

Nội dung chính của cuộc hội đàm là các biện pháp củng cố quan hệ liên minh Mỹ-Pháp, phối hợp chính sách xử lý các điểm nóng của thế giới, trong đó có các cuộc đàm phán đã và đang diễn ra giữa nhóm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức (P5+1) với Iran nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này; cuộc nội chiến tại Syria sau hai vòng đàm phán mà chưa tới kết quả; tiến trình hòa bình Trung Đông tái khởi động tháng 7/2013 nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ; cuộc chiến tại Afghanistan với lộ trình rút quân ra khỏi nước này vào cuối năm nay vẫn chưa ngã ngũ cũng như chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đang trỗi dậy mạnh mẽ tại khu vực Bắc Phi.

Kinh tế toàn cầu, sự biến đổi khí hậu, cuộc đàm phán về Hiệp định Ðối tác đầu tư và thương mại xuyên Ðại Tây Dương (TTIP) và cả chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng được hai bên đưa ra thảo luận.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Hollande khẳng định sự tin cậy lẫn nhau giữa Paris và Washington đã được khôi phục sau bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) với giới chức lãnh đạo nhiều nước.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng kêu gọi hai bên đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: "Khi các nguyên tắc cơ bản đã được thiết lập, vấn đề cốt lõi trong đàm phán hiện nay là tốc độ. Cả hai bên sẽ đạt được nhiều lợi ích khi thúc đẩy tiến trình đàm phán. Nếu Mỹ và EU có sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau cùng mối quan tâm chung là hướng tới sự phát triển, hai bên có thể tiến nhanh để đi đến ký kết hiệp định."

Tại cuộc họp báo này, lãnh đạo hai nhà nước cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố chia sẻ quan điểm về những vấn đề nổi bật của thế giới.

Về vấn đề Iran, dù nhấn mạnh rằng những biện pháp trừng phạt có thể cản trở khả năng đạt được giải pháp ngoại giao trên bàn đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, hai bên thống nhất về sự cần thiết tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran.

Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, lãnh đạo Mỹ và Pháp duy trì quan điểm hướng tới một giải pháp ngoại giao với sự ủng hộ dành cho phe đối lập, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn việc xâm nhập của các tay súng nước ngoài vào Syria.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cùng kêu gọi sự hợp tác hơn nữa nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hội nghị về khí hậu diễn ra tại Paris vào năm 2015.

Tối cùng ngày, Tổng thống Obama đã chủ trì đại tiệc cấp nhà nước chiêu đãi Tổng thống Hollande với sự có mặt của hơn 300 quan khách trọng yếu của hai nước.

Đây là chuyến thăm lần thứ hai của Tổng thống Hollande đến Washington, sau cuộc gặp với người đồng cấp Obama tại Nhà Trắng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8) hồi tháng 4 năm 2012.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Francois Hollande diễn ra khi quan hệ đồng minh lâu năm giữa Pháp và Mỹ trong vài năm qua đã được hâm nóng trở lại sau gần một thập kỷ bị đóng băng do Paris từ chối đưa quân hỗ trợ cuộc tấn công quân sự của Mỹ năm 2003 vào Iraq.

Nhân chuyến thăm đầu tiên trong gần 20 năm qua của người đứng đầu nước Pháp, Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Francois Holland thậm chí còn có một bài viết chung đăng cùng ngày 10/2 trên tờ Washington Post và Le Monde nhấn mạnh sự chuyển biến nhanh chóng của mối quan hệ Mỹ-Pháp trong vài năm qua, coi mối quan hệ này là mô hình cho sự hợp tác quốc tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục