Mỹ kêu gọi các bên ở Sudan tham gia đàm phán hậu đảo chính

Đại sứ Mỹ tại Sudan John Godfrey kêu gọi các phe phái ở nước này, trong đó có cả các nhóm phiến quân chống đối, tham gia đàm phán hậu đảo chính nhằm khôi phục tiến trình chuyển tiếp dân sự.
Mỹ kêu gọi các bên ở Sudan tham gia đàm phán hậu đảo chính ảnh 1Người biểu tình phản đối đảo chính tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 1/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn truyền thông khu vực ngày 13/1 cho biết Đại sứ Mỹ tại Sudan John Godfrey đã kêu gọi các phe phái ở nước này, trong đó có cả các nhóm phiến quân chống đối, tham gia đàm phán hậu đảo chính nhằm khôi phục tiến trình chuyển tiếp dân sự ở quốc gia Bắc Phi này.

Theo Đại sứ Mỹ Godfrey, điều quan trọng hiện nay là tiến trình chuyển tiếp dân sự vẫn luôn được duy trì để các phe phái chủ chốt tại Sudan có thể tham gia.

“Chúng tôi hiểu rằng những nỗ lực cần được tiếp tục để tìm cách thúc đẩy các phe phái chống đối tham gia vào tiến trình này,” ông Godfrey nói.

[Các phe phái ở Sudan đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp cuối cùng]

Đại sứ Godfrey đưa ra tuyên bố trên sau khi các phe phái ở Sudan vừa kết thúc vòng đàm phán đầu tiên của giai đoạn thứ hai, cũng là giai đoạn cuối cùng, của tiến trình chính trị ở Sudan.

Vòng đàm phán diễn ra ở thủ đô Khartoum, chủ yếu tập trung vào việc vô hiệu hóa các tàn dư của chế độ cựu Tổng thống Omar al-Bashir, người đã bị lật đổ vào năm 2019 trong làn sóng biểu tình rầm rộ của người dân.

Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong những tuần tới để bàn về những vấn đề gây tranh cãi chính như giai đoạn chuyển tiếp tư pháp, an ninh và cải cách quân sự.

Những động thái này diễn ra sau khi các đảng phái và quân đội Sudan đã ký một thỏa thuận khung hồi tháng trước để khởi động tiến trình chuyển đổi chính trị mới hướng tới bầu cử.

Các bên sẽ đàm phán để thiết lập một chính quyền dân sự chuyển tiếp cho đến khi tổ chức được các cuộc bầu cử, đồng thời tìm cách chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị vốn đã kéo dài ở quốc gia Bắc Phi này kể từ khi quân đội tiếp quản quyền lực vào tháng 10/2021.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thỏa thuận khung này không đại diện cho đa số và có những điểm gây tranh cãi.

Ngoài ra, cũng phải kể đến một số vấn đề khó khăn khác nằm ngoài thỏa thuận như cải cách lĩnh vực an ninh, tình hình căng thẳng ở miền Đông Sudan và sửa đổi nội dung thỏa thuận hòa bình ký năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục