Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại 'giai đoạn 1'

Thỏa thuận sẽ khép lại cuộc chiến thuế quan kéo dài 18 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm tỷ USD hàng hóa của cả Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại 'giai đoạn 1' ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sắp ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1." (Nguồn: Reuters)

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sắp bước vào một giai đoạn mới “yên tĩnh” hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong ngày 15/1 (giờ địa phương) sẽ ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1,” theo đó Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản, hàng hóa, năng lượng và dịch vụ của Mỹ.

Thỏa thuận trên sẽ khép lại cuộc chiến thuế quan kéo dài 18 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm tỷ USD hàng hóa của cả Mỹ và Trung Quốc, làm chao đảo các thị trường tài chính, phá vỡ các chuỗi cung ứng và khiến tăng trưởng kinh tế thế giới “giảm tốc.”

Trọng tâm của thỏa thuận trên là cam kết của Trung Quốc về việc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (đã lên tới 420 tỷ USD năm 2018).

Theo hãng tin Reuters (Anh), một nguồn tin cho biết Trung Quốc sẽ mua thêm 80 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm, bao gồm máy bay, ôtô và phụ tùng ôtô, máy móc nông nghiệp và thiết bị y tế.

[Mỹ: Không có thêm thỏa thuận giảm thuế với Trung Quốc]

Cũng trong 2 năm tới, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu thêm khoảng 50 tỷ USD năng lượng và 35 tỷ USD dịch vụ, 32 tỷ USD nông sản của Mỹ so với con số của năm 2017.

Với 24 tỷ USD nông sản Mỹ được xuất sang Trung Quốc năm 2017, việc Trung Quốc mua thêm 16 tỷ USD nông sản Mỹ/năm sẽ giúp ông Trump đạt được mục tiêu bán 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ/năm sang thị trường Trung Quốc.

Mặc dù thỏa thuận này có thể là một cú hích lớn đối với người nông dân, các nhà chế tạo ôtô và nhà sản xuất thiết bị công nghiệp nặng ở Mỹ cũng như hãng sản xuất máy bay Boeing, song một số nhà phân tích tỏ ra “băn khoăn” về khả năng liệu Trung Quốc có chuyển hướng nhập khẩu từ các đối tác cung cấp khác sang Mỹ.

Theo ông Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia về đầu tư của Leuthold Group ở Minneapolis (Mỹ), sự thay đổi căn bản trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc khó có thể diễn ra và khả năng đạt được các mục tiêu đưa ra trong thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” là không cao./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục