Năm Du lịch Quốc gia 2021: Tăng kết nối, tạo ra các sản phẩm đặc sắc

Là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 202, tỉnh Ninh Bình đã lên kế hoạch cho chặng đường phát triển du lịch thời kỳ mới, khi ngành kinh tế không khói địa phương phải "sống chung" với COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Năm Du lịch Quốc gia 2021-Lễ hội Hoa Lư năm 2021 sẽ chính thức được khai mạc vào tối nay (20/4) sau hơn một năm lỡ hẹn do ảnh hưởng của “bão COVID-19.” 

Ngay trước thềm sự kiện quan trọng này, tân Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc đã có những chia sẻ về một chiến lược dài hơi cùng nhiều kế hoạch liên kết vùng nhằm tạo các sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn du khách nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại trong thời gian tới. 

[Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Từng bước để du lịch có thể đi 'hai chân']

Đảm bảo an toàn và kết nối

- Là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021-Lễ hội Hoa Lư năm 2021, xin ông cho biết “chủ nhà” Ninh Bình đã chuẩn bị phương án ra sao để du khách vừa có thể khám phá được các điểm đến cũng như danh thắng… vừa đảm bảo an toàn trước dịch bệnh COVID-19?

Ông Phạm Quang Ngọc: Trước hết, Ninh Bình tuyên truyền đến tất cả các du khách việc thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch đồng thời chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, điều kiện có liên quan để khách du lịch thuận lợi trong việc phòng chống dịch, nâng cao trách nhiệm của người dân Ninh Bình, của người làm dịch vụ.

Chúng tôi sẽ có trao đổi, chia sẻ và nhắc nhở du khách thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, với Năm Du lịch Quốc gia 2021, chúng tôi xác định đây là cơ hội hết sức thuận lợi cho Ninh Bình nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch.

Năm Du lịch Quốc gia 2021: Tăng kết nối, tạo ra các sản phẩm đặc sắc ảnh 1Du khách quốc tế thăm quan Ninh Bình thời điểm dịch COVID-19 còn chưa bùng phát. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Tôi cho rằng điều quan trọng trong năm du lịch này là các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cần phải kết nối để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, một hệ thống đồng bộ nhằm phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên đất nước, tạo động lực cho du lịch nước nhà, tạo sản phẩm hấp dẫn thu hút khách nội địa và tới đây là khách quốc tế quay trở lại.

- Với hàng chục hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra trong suốt Năm Du lịch Quốc gia 2021 tại Ninh Bình, ông đánh giá thế nào về vai trò tham gia của cộng đồng địa phương?

Ông Phạm Quang Ngọc: Với các hoạt động văn hóa, du lịch trong Năm Du lịch Quốc gia 2021, người dân địa phương và cộng đồng địa phương đóng vai trò là chủ thể chính.

Cộng đồng địa phương phải thấy tâm huyết, say sưa với các hoạt động đó, bởi như vậy cũng chính là cách tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Từ việc người dân địa phương tôn trọng các giá trị đó đồng thời sẽ tạo ra các giá trị việc làm, nâng cao chất lượng đời sống, tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và dịch vụ phát triển.

Chiến lược cho cố đô Hoa Lư

- Xin ông cho biết tỉnh Ninh Binh có chiến lược ra sao để ngành du lịch địa phương có thể sớm phục hồi và phát triển trong năm 2021 và thời gian tới?

Ông Phạm Quang Ngọc: Ninh Bình tự hào có quần thể danh thắng Tràng An là một vùng du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.

Năm Du lịch Quốc gia 2021: Tăng kết nối, tạo ra các sản phẩm đặc sắc ảnh 2(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trong chiến lược phát triển ngành du lịch, tỉnh Ninh Bình hướng tới phát huy thật tốt tiềm năng, lợi thế của di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới; trong đó động lực chính là thu hút thật tốt du lịch sinh thái, du lịch văn hóa để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của lịch sử, văn hóa cũng như phẩm chất truyền thống của con người vùng đất cố đô Hoa Lư.

Các hoạt động của tỉnh Ninh Bình cũng hướng tới kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh nhà với các doanh nghiệp trên toàn quốc.

Nội dung thứ hai, Ninh Bình sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hơi để tổ chức, triển khai các hoạt động du lịch cũng như phát triển kinh tế xanh trong giai đoạn trước mắt để có thể sớm phục hồi và tăng trưởng khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đã và đang xây dựng chiến lược trong 5 năm và 10 năm tới, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, mở rộng không gian phát triển đồng thời tạo động lực mới ở những nơi, những vùng có giá trị đặc sắc về di sản, văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Năm Du lịch Quốc gia 2021: Tăng kết nối, tạo ra các sản phẩm đặc sắc ảnh 3Hang Múa là điểm "check-in" được giới trẻ ưa thích khi đến Ninh Bình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Ông có nói nhiều đến vấn đề liên kết, vậy xin ông cho biết Ninh Bình có kế hoạch kết nối thế nào với các vùng du lịch nhằm tạo ra một mạng lưới phát triển các tour, tuyến giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành phố khác?

Ông Phạm Quang Ngọc: Với tỉnh Ninh Bình, bên cạnh trọng điểm là phát triển di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An, chúng tôi sẽ tổ chức kết nối, lan tỏa những khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh nhằm khơi dậy, phát huy những giá trị đặc sắc, độc đáo riêng có của vùng đất Ninh Bình.

Tôi tin rằng bề dày truyền thống lịch sử cùng giá trị của các khu, điểm du lịch sẽ tạo động lực tổng thể để Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc và đa dạng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục