Nam Phi đánh giá cao đường lối đối ngoại và các thành tựu của Việt Nam

Việt Nam và Nam Phi đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, tạo động lực cho việc tăng cường hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, mang lại lợi ích cụ thể.
Nam Phi đánh giá cao đường lối đối ngoại và các thành tựu của Việt Nam ảnh 1Lễ chào cờ nhân ngày Quốc khánh 2/9 tại khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi. (Ảnh: Trương Phi Hùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, nhiều tờ báo lớn Nam Phi đã đăng tải bài viết giới thiệu về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại và một số thành tựu nổi bật của Việt Nam, đóng góp của Việt Nam tại các tổ chức đa phương khu vực và toàn cầu.

Báo Pretoria News đăng hai bài viết “Việt Nam tăng cường vị thế” và “Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc khánh”. Trang mạng Diplomatic Society đăng các bài “Việt Nam kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 75”, phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh và bài viết “Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế biển”.

Các bài viết trên đều khẳng định dưới sự lãnh đạo quyết đoán, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng trước các cuộc xâm lược của đế quốc và thực dân, cũng như đẩy mạnh công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Tinh thần và ý chí dân tộc Việt Nam trở thành huyền thoại, được sử sách lưu truyền rộng rãi và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Những chiến công gian khổ Việt Nam giành được trước sự áp bức và can thiệp về chủ quyền là một minh chứng mạnh mẽ cho ý chí, sức mạnh, lòng dũng cảm và sự kiên trì vượt qua những thử thách mà họ phải đối mặt, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững nền độc lập, tự chủ, thống nhất của Việt Nam.

Chính sách Đổi Mới với tầm nhìn sâu rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện cách đây 35 năm đang cho thấy những thành công. Nền kinh tế Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý, kinh tế vĩ mô ổn định và mang lại lợi ích cho khu vực.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn sản xuất với thị trường, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều thập kỷ. Sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại thị trường hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ở hầu khắp các châu lục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Giai đoạn 2010-2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức trung bình 6,31%/năm; trong đó năm 2019, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,02%, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á và thế giới.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 3-4% trong năm 2020 và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có triển vọng sáng nhất khu vực. Với những thành tựu ấn tượng trong phát triển và hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, các tổ chức quốc tế đã và đang đánh giá cao triển vọng của Việt Nam trong những năm tới.

Ngoài là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư châu Âu-Việt Nam (EVIPA), tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu và mang lại phương hướng tăng trưởng sau đại dịch.

Về quan hệ song phương Việt Nam-Nam Phi, các bài viết khẳng định trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam và Nam Phi đã nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tình hữu nghị bền chặt. Việt Nam và Nam Phi đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, tạo động lực cho việc tăng cường hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, mang lại lợi ích cụ thể cho nhân dân hai nước.

Năm 2020, Việt Nam và Nam Phi đều là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai nước đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề chính và hợp tác chặt chẽ cùng nhau để thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới.

Tháng 6 vừa qua, Ủy ban về Hợp tác và quan hệ quốc tế thuộc Quốc hội Nam Phi đã phê duyệt, cho phép các cơ quan chức năng Nam Phi tiến hành các thủ tục về việc gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng với các nước thành viên ASEAN khác đã nhiệt tình tán thành, ủng hộ việc Nam Phi gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. TAC sẽ củng cố nền tảng của mối quan hệ Việt Nam-Nam Phi và nâng mối quan hệ ASEAN-Nam Phi, Việt Nam-Nam Phi lên một tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục