Nam Sudan: Phiến quân phản đối đề xuất của Tổng thống Salva Kiir

Tổng thống Kiir và thủ lĩnh Machar, người hiện sống lưu vong, đang chịu sức ép ngày càng gia tăng của quốc tế để giải quyết những bất đồng vào thời hạn chót 22/2.
Nam Sudan: Phiến quân phản đối đề xuất của Tổng thống Salva Kiir ảnh 1Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir. (Nguồn: AP)

Ngày 16/2, phiến quân ở Nam Sudan đã bác bỏ đề xuất hòa bình từ Tổng thống nước này Salva Kiir nhằm quay trở lại hệ thống quản lý hành chính gồm 10 bang, mở đường cho một chính phủ đoàn kết.

Động thái của thủ lĩnh phiến quân Riek Machar đã dập tắt những hy vọng phá vỡ thế bế tắc và chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 6 năm vốn khiến ít nhất 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.

Tổng thống Kiir và thủ lĩnh Machar, người hiện sống lưu vong, đang chịu sức ép ngày càng gia tăng của quốc tế để giải quyết những bất đồng vào thời hạn chót 22/2.

Trước đó một ngày, ông Kiir cho biết đất nước hiện sẽ chia thành 10 bang theo yêu cầu then chốt của phe đối lập, nhưng phải thêm 3 "khu vực hành chính" là Pibor, Ruweng và Abyei.

[Bế tắc trong đàm phán thành lập chính phủ đoàn kết ở Nam Sudan]

Tuy nhiên, ông Machar đã phản đối 3 khu vực hành chính này, đồng thời kêu gọi Tổng thống Kiir cân nhắc lại ý tưởng lập ra 3 khu hành chính này.

Thủ lĩnh phiến quân này cảnh báo 3 khu vực này có nguy cơ gây ra những vấn đề phức tạp hơn nữa, và gọi vấn đề này là "một chiếc hộp Pandora."

Khi giành độc lập năm 2011, Nam Sudan được chia thành 10 bang nhưng tới nay quốc gia này được chia nhỏ thành 32 bang.

Thủ lĩnh phiến quân Riek Machar yêu cầu trở lại trạng thái 10 bang như ban đầu hoặc 21 bang như trước khi quốc gia giành độc lập.

Nội chiến bùng nổ tại Nam Sudan vào tháng 12/2013, chỉ hai năm sau khi quốc gia này giành độc lập, do mâu thuẫn giữa hai ông Kiir và ông Machar, châm ngòi cho các cuộc xung đột sắc tộc và bạo lực đẫm máu khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng.

Năm 2018, hai bên ký kết thỏa thuận hòa bình nhưng cả hai tới nay vẫn chưa thể đạt thỏa thuận thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực sau hai lần gia hạn đàm phán.

Kể từ tháng 11/2019, hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán, với thời hạn thành lập chính phủ đoàn kết trong vòng 100 ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục