Nga hy vọng EU giải quyết bất đồng về dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga hy vọng các nước thành viên EU sẽ giải quyết tất cả bất đồng liên quan đến dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Nga hy vọng EU giải quyết bất đồng về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 8/11/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ngày 8/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga hy vọng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ giải quyết tất cả bất đồng liên quan đến dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga tới Đức, đồng thời tin tưởng rằng dự án này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước châu Âu.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ Nga có ý định tiếp tục xây dựng dự án trên và đánh giá đường ống khí đốt này là phương thức an toàn nhất để vận chuyển khí đốt tới châu Âu.

Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi Pháp cho biết nước này lên kế hoạch ủng hộ một đề xuất của EU nhằm điều chỉnh đường ống khí đốt này, có khả năng cản trở việc hoàn thiện dự án và giáng một đòn mạnh vào Đức, quốc gia đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ đối với dự án này.

[Đức tuyên bố không phụ thuộc vào Nga về vấn đề khí đốt]

Trong khi đó, các thượng nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ ngày 7/2 đã công bố nghị quyết kêu gọi hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc 2.

Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết họ sẽ trình nghị quyết tại cuộc họp sắp tới của mình. Những người phản đối xây dựng đường ống này lo ngại rằng dự án sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ dành cho Ukraine vì Kiev sẽ mất nguồn thu từ phí vận chuyển khí đốt qua nước này, dọc theo tuyến đường truyền thống cho các nguồn cung của Nga, vốn đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu khí đốt của EU.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục