Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng tổ chức Đại hội đối thoại nhân dân Syria

Đại hội nhằm kéo các đại diện của Chính phủ Syria và các nhóm đối lập ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, tạo cú hích cho các nỗ lực hòa bình hướng tới một giải pháp chính trị bền vững hơn.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng tổ chức Đại hội đối thoại nhân dân Syria ảnh 1Toàn cảnh một vòng đàm phán tại thủ đô Astana của Kazakhstan về tìm lối thoát cho cuộc xung đột ở Syria, ngày 15/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết thúc vòng đàm phán thứ bảy về hòa bình Syria diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 31/10, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ra tuyên bố chung nhất trí tổ chức "Đại hội đối thoại dân tộc Syria" theo sáng kiến của Nga.

Đại hội nhằm kéo các đại diện của Chính phủ Syria và các nhóm đối lập ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, tạo cú hích cho các nỗ lực hòa bình hướng tới một giải pháp chính trị bền vững hơn để chấm dứt cuộc nội chiến đã cướp đi hơn 330.000 sinh mạng trong hơn sáu năm qua.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày đã đưa ra danh sách gồm 33 nhóm, tổ chức và phong trào ở Syria sẽ được mời tham gia "Đại hội đối thoại dân tộc Syria," dự kiến diễn ra tại thành phố Sochi của Nga ngày 18/11 tới.

[Vòng đàm phán mới về Syria tại Geneva sẽ diễn ra ngày 28/11]

Trưởng đoàn đàm phán Nga tại cuộc hòa đàm Astana Alexander Lavrentyev kêu gọi các phe phái đối lập Syria "tham gia và trình bày quan điểm của mình" tại đại hội tới. Ông cũng cho biết thêm rằng cải cách hiến pháp là một trong các chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận.

Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán Nga không xác nhận liệu Liên hợp quốc và Đặc phái viên về Syria của Liên hợp quốc Staffan de Mistura có tham gia đại hội Sochi hay không. Ông nhấn mạnh "sự kiện tới nên là một phần trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm cơ chế hiệu quả cho một giải pháp chính trị."

Đại diện đoàn đàm phán của Chính phủ Syria, Đại sứ nước này tại Liên hợp quốc Bashar al-Jaafari đã hoan nghênh kế hoạch triệu tập "Đại hội đối thoại dân tộc Syria" (trước đây gọi là "Đại hội nhân dân Syria"), đồng thời cho biết chính quyền Damascus sẽ tham gia sự kiện này. Theo ông Bashar al-Jaafari, Chính phủ Syria hưởng ứng mọi sáng kiến có thể giúp chấm dứt đổ máu và chiến tranh tại Syria.

Tuy nhiên, các đại diện của phe đối lập Syria tại Astana tỏ ra hoài nghi về kế hoạch trên. Người phát ngôn phe đối lập Syria Yehya al-Aridi cho rằng sáng kiến trên có thể gửi đi "một thông điệp không đúng" về Syria.

Kể từ khi khởi động đến nay, sáu vòng đàm phán Astana đã được tổ chức song song với các vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva, Thụy Sĩ. Trong vòng đàm phán thứ sáu hồi tháng Chín vừa qua, các bên tham gia đã đạt được thỏa thuận cùng nhau giám sát khu vực giảm căng thẳng thứ tư xung quanh tỉnh Idlib của Syria, như là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý phân bổ lực lượng giám sát khu vực bao gồm tỉnh Idlib đang do lực lượng đối lập kiểm soát, các khu vực sát với Latakia, Hama và Aleppo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục