Nga-Cuba 'Chung lưng' vượt qua sức ép đang gia tăng

Trong cuộc hội đàm ngày 29/10 với Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel một lần nữa nhấn mạnh chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nga Medvedev tới La Habana có tầm quan trọng đặc biệt.
Nga-Cuba 'Chung lưng' vượt qua sức ép đang gia tăng ảnh 1Vladimir Putin gặp chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez. (Nguồn: kremlin.ru)

“Tính chiến lược” của chuyến thăm là ngôn từ được Tổng thống nước chủ nhà Nga Vladimir Putin đề cập khi mở đầu cuộc gặp ngày 29/10 với Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba, Miguel Díaz-Canel Bermúdez - chức danh người đứng đầu bộ máy nhà nước Cuba theo quy định trong Hiến pháp mới vừa thông qua tháng 2/2019.

Hàm ý trên càng được khẳng định khi đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Miguel Díaz-Canel trên cương vị mới (tới 3 nước Belarus, Liên bang Nga và Azerbaijan) ngay sau khi được bầu là Chủ tịch nước trong phiên họp bất thường của Quốc hội Cuba ngày 10/10.

Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ hơn 3 tuần sau chuyến công du của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev tới Cuba.

Tần suất dồn dập, bất ngờ giữa 2 chuyến thăm này được Trợ lý của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cắt nghĩa là sự tiếp nối cuộc thảo luận mà Thủ tướng Liên bang Nga tiến hành cách đây không lâu ở La Habana, và cũng là chuyến thăm mà Thủ tướng Medvedev đã lưu ý rằng quan hệ giữa 2 nước không chỉ mang bản chất hữu nghị mà hàm chứa trong đó cả tính thực tế.

Trở lại với chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nga Medvedev tới Cuba ngày 3/10, một trong những kết quả quan trọng của chuyến công du này là sự kiện Cuba bắt đầu khai thác dầu tại mỏ Boca de Haruko trữ lượng hơn 3 tỷ tấn.

"Hòn đảo tự do" đang thiếu thốn xăng, do nhà cung cấp nhiên liệu chính là Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết.

Thủ tướng Nga Medvedev đã đích thân bấm nút khởi động giếng khoan đầu tiên trong số 3 giếng khoan do liên doanh giữa công ty Nga Zarubezhneft và công ty nhà nước Cuba Cupet hợp tác phát triển.

Trong khi Mỹ đang cấm các tàu chở nhiên liệu cập cảng Cuba, Thủ tướng Nga Medvedev đã cam kết rằng Moskva sẽ tìm cách giúp hòn đảo này mua dầu mỏ và các sản phẩm dầu.

Ngoài việc đảm bảo nhiên liệu cho Cuba, Thủ tướng Nga lưu ý Moskva cũng có thể góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Cuba thông qua việc cung cấp lúa mì. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng dưới sức ép mạnh mẽ của phương Tây, Moskva và La Habana cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Trong cuộc hội đàm ngày 29/10 với Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel một lần nữa nhấn mạnh chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nga Medvedev tới La Habana có tầm quan trọng đặc biệt, đúng vào thời điểm khó khăn của Cuba, khi Mỹ gia tăng sức ép đối với "hòn đảo tự do."

[Động lực mới cho tình thân truyền thống Nga và Cuba]

Ông Miguel Díaz-Canel lưu ý rằng chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Nga là cơ hội để đánh giá sự tiến triển của các dự án chung, đồng thời nêu ra ý tưởng cho các lĩnh vực mới mà hai bên có thể hợp tác.

Cũng trong cuộc hội đàm tại Moskva, Tổng thống Nga Putin lưu ý kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng đáng kể. Nga đang cung cấp cho Cuba ô tô, thiết bị công nghiệp, nông sản, gỗ và nhập khẩu của Cuba kim loại, đá quý, thực phẩm và các sản phẩm hóa học.

Năm ngoái kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 387,9 triệu USD, tăng 33,7% so với năm 2017 và được dự kiến sẽ tăng lên gần 500 triệu USD trong năm nay. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đang chuẩn bị dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Cuba; công ty Uralkhimmash có kế hoạch xây dựng một công viên trữ hydrocarbon hóa lỏng cho Cuba.

Tháng 8/2019, các công ty “Đường sắt Nga quốc tế,” Sinara-Transport Machines và PromTechCom đã ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt trên hòn đảo này.

Theo thông tin cập nhật đầu tháng 10, các doanh nghiệp Nga đã giao 841 toa xe lửa chở hàng và 53 đầu máy xe lửa cho Cuba.

Khả năng Moskva hỗ trợ La Habana xây dựng nhà máy điện hạt nhân của riêng mình cũng được đề cập và trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel lần này, Bộ trưởng Năng lượng Cuba cũng đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân Leningrad.

Trong bối cảnh lượng du khách từ Mỹ tới Cuba giảm mạnh, năm 2018, lượng du khách Nga tới Cuba đã tăng 30%, đạt mức 137.000 lượt người. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác chưa dừng lại ở đó.

Hợp tác kỹ thuật - quân sự cũng là một chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel với Tổng thống Nga V. Putin. Mối quan hệ quân sự-an ninh giữa Nga và Cuba gần đây đã được tăng cường và hồi giữa tháng 10, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga, ông Nikolai Patrushev đã thăm Cuba.

Có thể thấy, trong những chuyến thăm dồn dập qua lại gần đây, lãnh đạo hai nước đã đề cập đến hầu như mọi vấn đề quan trọng mà Nga và Cuba cùng quan tâm, và những sự kiện này sẽ tạo tiền đề cho mối quan hệ mới, khăng khít hơn, hiệu quả hơn, đôi bên cùng có lợi trong tương lai.

Riêng với Cuba, một thời kỳ mới đã bắt đầu với việc triển khai thực hiện Hiến pháp mới, phù hợp hơn với sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn lịch sử hiện nay và trong bối cảnh thế giới đang biến động, đặc biệt là trong việc triển khai công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội.”

Hiến pháp mới của Cuba đã điều chỉnh, nới lỏng một số vấn đề trong lĩnh vực thương mại và sở hữu tư nhân, mở ra nhiều cơ hội với sự xuất hiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà chủ sở hữu của các cơ sở này đang trở thành một phần của tầng lớp trung lưu mới nổi tại Cuba hiện nay.

Và chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, có thể xem như "sự định vị" của nhà lãnh đạo Cuba đối với "những người bạn truyền thống" có thể "chung lưng" cùng La Habana vượt qua thách thức để cùng vực dậy nền kinh tế Cuba đang trong tình trạng hết sức khó khăn do các biện pháp bao vây, cấm vận của Mỹ kéo dài gần 6 thập niên qua.

Rõ ràng nước Nga, một đồng minh chiến lược của Cuba từ thời Liên Xô, là lựa chọn hàng đầu. Kể từ năm 2014, khi Nga xóa 90% khoản nợ trị giá 35 tỷ USD cho Cuba, sự kiện mà rất nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là khởi đầu cho một kỷ nguyên quan hệ mới giữa 2 nước, thì các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo 2 nước có thể được xem như một mốc lớn nữa, nhằm thắt chặt quan hệ song phương trên nhiều mặt.

Với Cuba, việc tăng cường quan hệ với Nga sẽ giúp nước này dần thoát khỏi các đòn bao vây cấm vận của Mỹ, đồng thời có thể huy động thêm nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển.

Còn với Nga, trong bối cảnh cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, giờ đây Moskva ngày càng tích cực khôi phục và củng cố quan hệ với những đồng minh, đối tác truyền thống, để tạo thêm thế và lực địa chính trị cho mình, từng bước hình thành thế giới đa cực, và tạo ra tiếng nói có trọng lượng hơn ở nhiều khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục