"Ngân sách không phải để bù lỗ cho các tập đoàn"

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khẳng định việc bố trí một số khoản vốn cho các tập đoàn, tổng công ty không phải để bù lỗ cho sự kém hiệu quả của các tập đoàn này.
Vấn đề phân bổ ngân sách Nhà nước cho các Tập đoàn, Tổng công ty luôn được các đại biểu quan tâm. Một số ý kiến còn cho rằng việc phân bổ này là để giúp doanh nghiệp xử lý lỗ.

Bên lề hành lang Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, cho biết việc bố trí một số khoản vốn cho các tập đoàn, tổng công ty không phải để bù lỗ cho hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn này. Về bản chất, đây là các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của Nhà nước do ngân sách Nhà nước đảm nhận, nhưng vì những nhiệm vụ này được giao cho các tập đoàn, tổng công ty thực hiện. Vì vậy, Nhà nước phải bố trí ngân sách để cho các tập đoàn, tổng công ty này thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao.

- Theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2013, một số tập đoàn, tổng công ty như PetroVietnam, EVN, Vinalines... đã được phân bổ ngân sách. Theo một số ý kiến, việc phân bổ này là để giúp doanh nghiệp xử lý lỗ, ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Bùi Đức Thụ: Tôi khẳng định, việc bố trí các khoản chi này không phải để xử lý lỗ của doanh nghiệp. Ví dụ như bố trí nguồn ngân sách cho PetroVietnam 1.600 tỷ đồng là thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, theo Luật khoáng sản và theo thỏa ước của Chính phủ Việt Nam với các bên liên doanh khai thác dầu khí như Liên Xô trước kia và Liên bang Nga hiện nay.

Theo quy định, chúng ta phải để lại tối thiểu 50% lợi nhuận của nước chủ nhà để tái đầu tư cho PetroVietnam. Với sản lượng dự kiến khai thác năm 2013 thì chúng tôi tính toán để lại cho PetroVietnam khoảng 10.000 tỷ mới đúng quy định. Nhưng năm 2013 kinh tế trong nước và thế giới đứng trước nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến cân đối ngân sách, nguồn thu ngân sách nên Chính phủ trình phương án đầu tư trở lại cho PetroVietnam 1.600 tỷ, trên thực tế là thấp hơn quy định hiện hành.

Do đó, việc bố trí một số khoản vốn cho các tập đoàn, tổng công ty ở đây không phải để bù lỗ cho hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn này. Về bản chất, đây là các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của Nhà nước do ngân sách Nhà nước đảm nhận, nhưng vì những nhiệm vụ này được giao cho các tập đoàn, tổng công ty thực hiện. Vì vậy, Nhà nước phải bố trí ngân sách để cho các tập đoàn, tổng công ty này thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Trên thực tế là các tập đoàn, Tổng công ty sử dụng vốn không hiệu quả, nếu tiếp tục rót vốn vào thì liệu có tiếp tục thất thoát không, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Tôi khẳng định lại không phải là Nhà nước cấp thêm vốn vào mà là giao thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước đối với một số tập đoàn, Tổng công ty. Căn cứ vào dự án đó là bao nhiêu tiền, thời hạn bao nhiêu thì Nhà nước phải thanh toán. Các tập đoàn, Tổng công ty đang là thực hiện hộ Nhà nước nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Ví dụ như đầu tư vào Tổng công ty Hàng hảng Việt Nam, việc đầu tư vào các cảng, nạo vét cảng Hải Phòng, đầu tư vào hạ tầng của Bộ Giao thông, nhưng vì mình không giao Bộ Giao thông mà lại giao cho các Tổng công ty làm thì phải đưa tiền cho họ.

Riêng với PetroVietnam, theo quy định hiện hành thì đây là đầu tư trở lại cho Tập đoàn này. Tôi cho rằng đây là yêu cầu của việc phát triển của ngành dầu khí quốc gia. Việc đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí thời gian qua là có hiệu quả. Còn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn này cần phải xem xét, rà soát lại.

- Việc phân cấp, phân quyền quản lý hiện nay thì sao, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Việc phân cấp thẩm quyền, nhất là việc quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như quản lý đầu tư cho các tập đoàn, Tổng công ty là có vấn đề. Cụ thể, trước kia đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhà nước có luật riêng, nhưng sau này khi ban hành Luật Doanh nghiệp chung thì lại ghép doanh nghiệp Nhà nước vào được đối xử gần như các doanh nghiệp khác dẫn đến thẩm quyền của lãnh đạo các doanh nghiệp này quá lớn.

Có nhiều tập đoàn, Tổng công ty đầu tư một năm hơn 100.000 tỷ đồng dựa trên cơ sở chiến lược phát triển thì được Thủ tướng Chính phủ cho phép các lãnh đạo có quyền quyết định đầu tư. Nhưng đối với ngân sách Nhà nước, năm 2013, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có 175.000 tỷ đồng mà chia cho tất cả các bộ, ngành cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành cho những nhiệm vụ chi tiết và việc thay đổi từ bất cứ khoản chi nào cũng phải trình Quốc hội.

Trong khi đó một tập đoàn, Tổng công ty chi đầu tư rất lớn thì lại giao cho một số ít người có thẩm quyền quyết định. Quy định này là quá thông thoáng và cần phải rà soát lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước khác với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác. Vì người lãnh đạo tập đoàn, Tổng công ty nói riêng và doanh nghiệp Nhà nước nói chung chỉ là người thay mặt Nhà nước quản lý, sử dụng nguồn vốn được Nhà nước giao chứ không phải là chủ sở hữu thật sự. Vì vậy, cần phải có cơ chế thích ứng điều này để tránh tình trạng lợi dụng tiền của Nhà nước đầu tư cho các tập đoàn, Tổng công ty nói riêng, doanh nghiệp Nhà nước nói chung gây thất thoát, kém hiệu quả.

- Ông vừa nói, quyền quyết định rơi vào một số người, vậy sắp tới cần phải có cơ chế như thế nào?

Ông Bùi Đức Thụ: Vấn đề này đụng chạm đến các văn bản pháp luật, cần rà lại Luật Doanh nghiệp để có những quy định chung về cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước và trên cơ sở đó rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành luật đó.

Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại luật Đầu tư công, Luật mua sắm công, tức là các luật liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phải đồng bộ và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người liên quan. Quyền càng lớn trách nhiệm càng cao, mới đảm bảo được việc quản lý sử dụng vốn tài sản Nhà nước một cách có hiệu quả.

- Theo văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính gửi đến Quốc hội, EVN đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng, PetroVietnam nợ 1.731 tỷ đồng… và nhiều tổng công ty Nhà nước khác cũng nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng. Theo ông, có lo ngại tình trạng này không và xử lý thế nào với những con số này?

Ông Bùi Đức Thụ: Trong hoạt động kinh doanh, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có nợ vay và nợ phải trả. Tôi cho đó là chuyện bình thường. Nhưng căn cứ vào quy mô tài sản, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng bảo tồn vốn để xem xét giới hạn vay như thế nào cho hợp lý, đảm bảo an toàn để khắc phục tình trạng đừng để doanh nghiệp vay quá lớn đến khi phá sản để lại những di chứng, hậu quả đối với xã hội.

Vấn đề thứ hai là nợ vay, cũng như nợ phải trả, điều quan trọng nhất là nợ xấu. Nợ xấu hiện nay là quan ngại nhất của mọi người dân, của các đại biểu Quốc hội. Bằng mọi cách phải quản lý tài sản, cải tiến đổi mới trong quản lý điều hành ngân sách, sản xuất kinh doanh, phải hướng đến việc làm tăng hiệu quả quản lý sử dụng vốn nói chung của nền kinh tế. Chỉ có trong chừng mực đó nợ xấu mới giảm.

Vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty có nợ xấu, Chính phủ cũng chưa có báo cáo cụ thể chi tiết về cơ cấu nợ xấu, lĩnh vực nợ xấu và phải có đề án để xử lý nợ xấu. Trung ương vừa qua cũng đã bàn, đặc biệt là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tất cả các doanh nghiệp vay phần lớn là vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nợ xấu ngân hàng tăng sẽ dẫn đến ách tắc trong lưu thông tiền tệ, chu chuyển vốn trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Do đó, xử lý nợ xấu có đại biểu cũng đề nghị thành lập Tổng công ty mua bán nợ quốc gia, tôi cho rằng cái này có ý nghĩa. Trước mắt trong ngắn hạn là cần thiết để khơi thông dòng vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngân hàng, hệ thống tín dụng hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập: 9 tháng đầu năm huy động vốn tăng 12,7%, nhưng dư nợ cho vay chỉ tăng có 2,52%. Như vậy là còn hơn 10% huy động vốn đang tồn đọng, không cho vay ra nền kinh tế. Trong khi đó, doanh nghiệp thì khát vốn, không tiếp cận được nguồn vốn.

- Xin cảm ơn ông!/.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục