Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 54 tỷ USD. Kết quả khả quan trong thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2023 và những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu khiến cho ngành nông nghiệp tự tin sẽ cán đích các mục tiêu đã đặt ra.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến về quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp năm 2023.
- Xin Thứ trưởng cho biết sản xuất ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm 2023 đã đạt được kết quả như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong 9 tháng năm 2023, các mặt hàng nổi bật đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp không thể không kể đến là lúa gạo, đạt sản lượng thu hoach là 33,6 triệu tấn, tăng 1,4%. Đây là mức tăng không nhiều nhưng về sản lượng thì rất lớn.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, bộ đã đề nghị các địa phương vào vụ mùa miền Bắc và Thu Đông niềm Nam cũng như Đồng Xuân sang năm cần tập trung vào giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói một cách hoàn chỉnh.
Ngành hành cũng có sức bật nổi trội thứ là hai chăn nuôi. Chăn nuôi vẫn tăng trưởng ở mức cao, trên 5%. Sản lượng thịt lợn đạt 3,63 triệu tấn, tăng 6,8%; trứng 14,25 tỷ quả, tăng 5,6% ... Nhìn chung, tổng đàn vật nuôi trên cả nước đều tăng về sản lượng.
Ngành thủy sản cũng đã bắt đầu có những khởi sắc trong quý 3 và tăng trưởng khá. Sản lương thủy sản trong 9 tháng năm 2023 đạt gần 6,8 triệu tấn, tăng trưởng 2,1%; trong đó khai thác khoảng 3 triệu tấn, nuôi trồng 3,8 triệu tấn.
Ba lĩnh vực này đều là những điểm sáng, tạo đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm là 3,66%, có thể khẳng định nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã đặt ra là 3-3,5% có thể đạt được.
- Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tăng trưởng tốt, vậy xin Thứ trưởng cho biết về triển vọng trong việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy năm 2023 đạt 54-55 tỷ USD?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đã đạt 38,48 tỷ USD, vẫn giảm so với năm 2022 là 5,1%. Tuy nhiên, dấu hiệu rất tích cực là trong tháng 9/2023 chúng ta đã xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với tháng 9/2022.
Những mặt hàng nổi bật như rau, quả đã đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% và vẫn có tiềm năng tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Lúa gạo cũng đã đạt 3,66 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu 6,6 triệu và đến cuối năm nay có thể đạt trên 4 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu lên tới 7,8 triệu tấn.
Bên cạnh đó, đối với hai ngành gặp khó khăn trong năm là lâm sản và thủy sản, việc giải ngân 5.500 tỷ đồng trong gói hỗ trợ cho vay tín dụng 15.000 tỷ đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giúp cho xuất khẩu thủy sản và gỗ có những chuyển biến tích cực, tạo nên cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc chiếm 22,1%, Mỹ 20,7%, Nhật Bản 7,6%, Phillipines 4,4%, Hàn Quốc 4,1%, châu Âu và các thị trường khác chiếm 41,7%. Trong 9 tháng năm 2023, thị trường Trung Quốc đã vươn lên đần đầu và tôi tin tưởng rằng thị trường tỷ dân này với nhu cầu tiêu dùng rất lớn sẽ là thị trường có nhiều lợi thế, tiềm năng đối với nông sản Việt Nam.
Các thị trường mà chúng ta đã từng bước xâm nhập, xuất khẩu nông sản sang thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường theo các tiểu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường.
Chúng tôi tin tưởng rằng nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và về đích.
- Ngoài tiềm năng gia tăng giá trị xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc, thị trường Mỹ cũng sẽ có cơ hội phát triển như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc Mỹ và Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện sẽ đem lại thêm nhiều cơ hội phát triển ngành nông nghiệp, gia tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại thị trường này.
Đến nay, Mỹ là một thị trường xuất khẩu rất lớn của Việt Nam, chiếm tới trên 20% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Chúng ta có nhiều sản phẩm nông sản được phép xuất khẩu sang Mỹ. Đặc biệt, việc Mỹ vừa công nhận sản xuất cá tra của Việt Nam tương đương Mỹ cho thấy trình độ sản xuất, chế biến của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao, mở ra cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu của ngành hàng này.
Ngoài cá tra, tôm, các sản phẩm thủy sản, gỗ thì một số sản phẩm rau, củ, quả cũng là sản phẩm chúng ta có lợi thế rất lớn khi xuất khẩu sang Mỹ.
- Trong quý 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì để tăng tốc hoàn thành mục tiêu của ngành trong năm 2023?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.
Về chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.
Một trong những nhiệm vụ trong tâm trong quý 4 là tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu trong tháng 10/2023.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo hướng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu..., tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!