Nghiên cứu tín hiệu thần kinh: Kỷ nguyên mới cho quảng cáo

Các công ty sẽ có thể kiểm tra phản ứng của công chúng với các đoạn quảng cáo trước khi phát hành bằng cách theo dõi các tín hiệu thần kinh.

Trong tương lai gần, các công ty sẽ có thể kiểm tra phản ứng của công chúng với các đoạn quảng cáo, âm nhạc và phim ảnh trước khi phát hành bằng cách theo dõi các tín hiệu thần kinh của một nhóm người khi họ xem thử các sản phẩm truyền thông này.

Đây là dự đoán của các nhà tâm lý học khi họ công bố kết quả của một loạt các thí nghiệm khác thường về tín hiệu thần kinh vào thứ Ba vừa qua.

Ý tưởng của họ là bằng cách quét các hoạt động não bộ của một vài cá nhân khi họ được xem một đoạn quảng cáo hay chương trình truyền hình, chúng ta có thể dự đoán được phản ứng của khán giả nói chung đối với những chương trình đó.

Theo tạp chí Nature Communications, một nhóm nghiên cứu do Jacek Dmochowski thuộc Đại học Stanford, California, Mỹ đã yêu cầu 16 tình nguyện viên tuổi từ 19 đến 32 xem truyền hình, trong khi ghi lại tín hiệu thần kinh của họ.

Các tình nguyện viên đã được xem tập ra mắt năm 2010 của bộ phim truyền hình nổi tiếng "The Walking Dead" và một loạt phim quảng cáo được phát sóng lần đầu tiên trong giải Super Bowl của Mỹ vào năm 2012 và 2013.

Họ đeo các cảm biến ghi điện não đồ (EEG) để các nhà khoa học có thể giám sát hoạt động điện trong các phần khác nhau của não bộ.

Các tình nguyện viên cũng trải qua chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) nhằm ghi lại hoạt động não bộ bằng cách xác định chính xác lưu lượng máu não.

Kết quả thí nghiệm cho thấy có một mối tương quan mạnh mẽ trong mô hình tín hiệu, có nghĩa là các cá nhân đều rất tập trung chú ý vào những gì họ đang xem.

Mức độ quan tâm của họ khớp với phản ứng của công chúng đối với những chương trình và quảng cáo nói trên, được đo đạc bởi thông tin đăng tải trên Twitter và những đánh giá của khán giả trên Nielsen TV.

Tất nhiên, việc tập trung vào một cái gì đó không hoàn toàn có nghĩa là bạn thích nó. Tuy nhiên, các thí nghiệm được thực hiện đối với những đoạn quảng cáo trong Super Bowl đã cung cấp một đầu mối hữu ích.

Theo sau những đoạn quảng cáo cực kỳ tốn kém này thường là rất nhiều nghiên cứu nhằm xác định độ thành công của chúng đối với khán giả.

"Trong thí nghiệm Super Bowl, chúng tôi quan sát thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ ưa thích của các tình nguyện viên với đánh giá đã có từ trước đó về độ phổ biến của những đoạn quảng cáo này," Dmochowski chia sẻ.

"Điều này cho chúng ta biết rằng, nhìn chung, con người sẽ có hoạt động não bộ giống nhau khi họ được xem một điều gì đó mà họ thích.

Vì vậy ít nhất là trong thí nghiệm này, chúng tôi đã thu được nhiều tín hiệu thần kinh tương tự nhau giữa các tình nguyện viên, và điều đó có nghĩa là họ đều thích điều mà họ đang xem. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra trong bộ não người khi họ ghét hay thích một điều gì đó."

Dmochowski cho rằng sau khi được tinh chỉnh, các tín hiệu thần kinh có thể là một công cụ hữu ích để dự đoán trước phản ứng của khán giả.

Một kỹ thuật tiếp thị phổ biến hiện nay là đưa ra một sản phẩm thử nghiệm hay một ý tưởng mới, bao gồm cả về chính trị, và yêu cầu nhóm đại diện cho khán giả mà những sản phẩm truyền thông này đang hướng tới đưa ra các nhận xét.

Lỗ hổng lớn nhất của phương pháp này chính là việc các phản ứng cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi khả năng tự đánh giá cảm nhận của bản thân của những người tham gia, kỹ năng giao tiếp hay áp lực nhóm - đó là lý do vì sao dữ liệu thu được trực tiếp từ bộ não có thể sẽ là vô giá.

"Các công ty tiếp thị có thể sẽ áp dụng công nghệ này đầu tiên, bởi trong lĩnh vực này, chỉ cần một lợi thế tiên đoán nhỏ cũng có thể mang lại giá trị lớn," Dmochowski nói.

"Có thể việc đánh giá của các nhóm trọng tâm xem thử quảng cáo sẽ sớm có thêm các phép đo tín hiệu thần kinh bên cạnh việc đưa ra đánh giá chủ quan."

Tiến sỹ cũng nói thêm rằng: "Một khả năng ứng dụng khác có thể sẽ thuộc về lĩnh vực âm nhạc, khi nhiều phiên bản của một bài hát có thể được đánh giá thông qua việc đo đạc các phản ứng thần kinh từ một nhóm người nghe."

"Nói chung, dù được ứng dụng như thế nào đi chăng nữa, thì phương pháp này đều có thể mang lại lợi ích ở một mức độ nào đó, đặc biệt là đối với việc tiên đoán trước phản ứng của công chúng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục