Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Saudi Arabia và Jordan ủng hộ

Ngoại trưởng Mỹ đã đến Saudi Arabia và Jordan, tiếp tục nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của hai quốc gia Arập này với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Saudi Arabia và Jordan ủng hộ ảnh 1Quốc vương Saudi Arabia, Abdullah bin Abdulaziz al-Saud tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 5/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Saudi Arabia và Jordan, tiếp tục nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của hai quốc gia Arập này với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tại Amman, ông Kerry đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn một giờ với Quốc vương Jordan Abdullah II và Ngoại trưởng nước này Nasser Judeh về các nội dung sẽ được đưa ra trong thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Israel và Palestine. Trong khi đó tại Saudi Arabia, Ngoại trưởng Kerry cũng đã có cuộc gặp hơn 3 giờ với Quốc vương nước này.

Kết thúc chuyến thăm Saudi Arabia và Jordan, Ngoại trưởng Kerry khẳng định đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Arab đối với tiến trình hòa bình Trung Đông do Mỹ khởi xướng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh rằng bất cứ thỏa thuận nào đạt được cũng cần phải đảm bảo tính "bình đẳng và công bằng."

Trước đó, sau các cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố tiến trình hòa đàm Trung Đông đã đạt được một số tiến triển, cho phép hướng tới việc ký kết thỏa thuận khung nhằm định hướng cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Tuy nhiên, một số nguồn tin tại Palestine lại nói rằng ông Kerry đã không đưa ra các nội dung cụ thể cho một thỏa thuận hòa bình cuối cùng trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Palestine.

Trong một phát biểu, Trợ lý Tổng thống Palestine Nabil Abu Rdineh nhấn mạnh ông Mahmoud Abbas đã từ chối tất cả các giải pháp mang tính "chuyển tiếp, từng phần và tạm thời."

Còn theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, các đảng phái theo đường lối cứng rắn trong liên minh cầm quyền của Israel ngày 5/1 đã gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đe dọa sẽ "lật đổ" chính phủ nếu nhà lãnh đạo này "nhượng bộ" chấp nhận điều kiện về lãnh thổ của phía Palestine trong cuộc hòa đàm.

Đảng "Ngôi nhà Do Thái" đe dọa sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền nếu như Thủ tướng Netanyahu chấp nhận đường biên giới năm 1967 làm cơ sở cho các cuộc hòa đàm với Palestine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố đảng Yisrael Beitenu của ông sẽ không ủng hộ các thỏa thuận nếu không có sự trao đổi lãnh thổ và dân số.

Trong cuộc họp thường kỳ của nội các Israel ngày 5/1, vấn đề hòa bình với Palestine cũng đã được đưa ra thảo luận mặc dù trước đó không nằm trong chương trình nghị sự. Tại cuộc họp, Thủ tướng Netanyahu tiếp tục bày tỏ "nghi ngờ" về trách nhiệm của chính quyền Palestine đối với các vòng đàm phán còn Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cho rằng chừng nào phía Palestine "chưa có sự thay đổi về nhận thức" thì hòa bình sẽ không đến được với người dân.

Trong một diễn biến khác, giới chức Palestine cho biết Tập đoàn năng lượng Palestine và các đối tác Israel ngày 5/1 đã ký kết một thỏa thuận cung cấp nguồn khí đốt cho Palestine nhằm vận hành một nhà máy điện ở Bờ Tây trong vòng 20 năm.

Theo thỏa thuận này, Palestine sẽ nhận được 4,75 tỷ mét khối khí đốt và 1,2 tỷ USD để vận hành một nhà máy điện sẽ được xây dựng ở thành phố Jenin, gần khu Bờ Tây. Nguồn cung cấp khí đốt sẽ được khai thác từ các mỏ khí tự nhiên tại khu vực Leviathan, ngoài khơi bờ biển miền Trung Israel, khu vực giàu khí đốt với tổng trữ lượng ước tính khoảng 530 tỷ mét khối khí.

Thỏa thuận năng lượng nói trên được cho là sẽ góp phần tạo hòa bình và ổn định cho sự phát triển trong khu vực, nhất là trong bối cảnh hai bên đang tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cuối cùng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục