Ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu đồng loạt ra khơi trở lại khi giá dầu giảm

Sau một thời gian dài nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao, ngay sau khi xăng dầu giảm giá, hàng loạt chủ tàu cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu quay trở lại và cho tàu ra khơi đánh bắt.
Ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu đồng loạt ra khơi trở lại khi giá dầu giảm ảnh 1Tàu đánh bắt tại cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu chuẩn bị cho đánh bắt xa bờ. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Sau một thời gian dài nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao, ngay sau khi xăng dầu giảm giá, hàng loạt chủ tàu cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu quay trở lại và cho tàu ra khơi đánh bắt.

Tại cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ) có khoảng 80-90 % tàu cá buộc phải nằm bờ khi giá nhiên liệu tăng cao. Thế nhưng, gần 1 tuần trở lại đây, cảng đã bắt đầu hoạt động sôi nổi trở lại. Mỗi ngày có hàng chục con tàu lớn, nhỏ nối đuôi nhau ra khơi bám biển.

Ông Trương Hồng Hoa, chủ tàu cá hành nghề lưới ghẹ xa bờ ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ chia sẻ, ngư dân như “cá mắc lưới” khi không được ra khơi.

Thời gian qua, khi tàu cá liên tục đánh bắt thua lỗ, tàu nằm bờ không có thu nhập, ông Hoa buộc phải đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống. Nay giá dầu giảm, tàu được ra khơi bám biển trở lại, ông rất vui.

Từ 1 tuần trước, ông đã phải gọi điện cho các bạn thuyền để mong đủ người ra khơi đánh bắt. Mặc dù hiện giờ việc tìm bạn tàu khá khó khăn, song nhờ có các mối quen lâu năm nên tàu của ông Hoa đã đủ người trước khi ra khơi.

“Trung bình chi phí mỗi chuyến biển dài 15 ngày, tàu cá của tôi tiêu tốn từ 100-120 triệu đồng. Với giá dầu đã giảm, chuyến đi biển lần này đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng," ông Hoa nói.

[Xuất khẩu cá ngừ dự kiến tăng cao trong “bão lạm phát”]

Mới đây, tàu cá của gia đình bà Nguyễn Thị Thảnh, ngư dân ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đã xuất bến chuyến đi đầu tiên sau 5 tháng nằm bờ.

Bà Thảnh chia sẻ từ đầu năm tới nay, tàu cá của bà mới đi được 2 chuyến từ tháng 2 và nằm bờ cho tới tận bây giờ. Khi giá giá dầu giảm, bà đã nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ, đồng thời gọi bạn thuyền quen thuộc của gia đình để sẵn sàng ra khơi.

Theo tính toán của bà Thảnh, việc dầu diesel đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, đồng nghĩa chi phí cũng giảm theo. Nếu như thời điểm giá xăng dầu đang ở mức cao, tổng chi phí mỗi chuyến đi của gia đình bà rơi vào khoảng 250 triệu đồng thì nay đã giảm còn từ 170-200 triệu đồng/chuyến.

Việc tiết kiệm từ chi phí nhiên liệu khiến bà Thảnh và nhiều ngư dân khác rất phấn khởi, kỳ vọng một vụ mùa đánh bắt thắng lợi.

“Giờ giá dầu giảm xuống ngư dân mừng lắm vì tàu cá hoạt động được, có đồng tiền trang trải giảm được gánh nặng cho gia đình sau thời gian dài. Hi vọng chuyến đi thuận lợi, đánh bắt bội thu để ngư dân chúng tôi có thêm nguồn thu nhập”, bà Thảnh chia sẻ thêm.

Theo ông Trương Quốc Thành, Phó Phòng Điều độ - Dịch vụ cảng cá Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện số lượng cảng cá trong và ngoài tỉnh cập bến, neo đậu tại cảng khoảng 685 tàu.

Những ngày qua, không khí tại cảng cá cũng đã náo nhiệt trở lại khi bà con ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi sau thời gian dài nằm bờ. Việc giá dầu hạ nhiệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi.

Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng từ 10-15% số lượng tàu cá tại cảng xuất bến, tăng cao nhất so với đầu năm trở lại đây.

Để việc ra khơi của ngư dân được thuận lợi, Ban quản lý cảng cũng tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý để ngư dân dễ dàng xuất bến. Theo đó, những tàu nào đủ điều kiện theo quy định, Ban quản lý sẽ giải quyết nhanh chóng thủ tục xuất bến.

Đối với những tàu cá chưa đủ giấy tờ hoặc hết hạn sẽ được hướng dẫn làm lại trong thời gian ngắn nhất để ngư dân yên tâm ra khơi.

Từ đầu năm đến nay, do giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá hải sản không tăng, nguồn lợi khai thác lại giảm… khiến nhiều tàu cá chỉ hoạt động cầm chừng do thua lỗ, thậm chí phải nằm bờ hàng tháng trời. Chính vì vậy, khi giá xăng dầu giảm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, phấn khởi vươn khơi bám biển.

Trên thực tế giá xăng dầu hiện vẫn ở mức cao nên hiệu quả đánh bắt của ngư dân chưa được như mong muốn. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục khắc phục khó khăn, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để giảm chi phí chuyến biển. Qua đó, nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục