Nỗi lo thảm họa

Ngư dân Việt với nỗi lo về thảm họa dầu loang

Dầu loang ở Vịnh Mexico nhiều ngày qua đã khiến ngư dân Việt lao đao vì không thể ra khơi đánh bắt tôm, phần lớn đang ngồi chờ việc.
Vụ nổ giàn khoan dầu khí Deepwater Horizon trong tháng Tư vừa qua không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh của vùng Vịnh Mexico mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của những ngư dân tại các vùng lân cận, nặng nhất là bang  Lousiana, nơi có nhiều ngư dân người Việt và Campuchia.

Cuối tuần qua, trong cái nóng ở New Orlean, khoảng 200 ngư dân Việt Nam và Campuchia đã đến dự một buổi họp cộng đồng để nghe phổ biến những thông tin về ảnh hưởng của vụ dầu loang trên Vịnh Mexico và các chương trình trợ giúp mà họ cần trong thời gian này.

Một trong những câu hỏi mà nhiều người quan tâm là việc Tập đoàn dầu mỏ BP của Anh sử dụng hóa chất phân tán dầu trên mặt nước có ảnh hưởng thế nào đối với môi sinh và con người, cũng như kế hoạch bồi thường thiệt hại.

Dầu loang ở Vịnh Mexico nhiều ngày qua đã khiến các ngư dân không thể ra khơi đánh bắt tôm vào đúng thời điểm mùa đánh bắt tôm bắt đầu.

Công việc duy nhất lúc này mà họ hy vọng có thể kiếm được là thu dọn dầu trên mặt biển do BP đang thực hiện. Tuy nhiên, khối lượng công việc không đáng là bao so với nhu cầu của ngư dân, vì thế phần lớn ngư dân vẫn đang ngồi chờ việc.

Theo đạo luật về ô nhiễm dầu, BP sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất cho ngư dân và các cơ sở kinh doanh. Khoản bồi thường này có thể được gia hạn hàng tháng nếu việc khắc phục dầu loang chưa chấm dứt và công việc làm ăn của các ngư dân chưa được nối lại.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng có ngân quỹ 1 tỷ USD để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra thảm họa môi trường.

Ngày 11/5, các giới chức Tập đoàn dầu mỏ BP và hai công ty liên quan tới việc vận hành giàn khoan dầu Deepwater Horizon bị chìm ở Vịnh Mexico đã ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Thượng viện Mỹ.

Tại phiên điều trần, lãnh đạo các công ty liên quan đến thảm họa này đã đổ lỗi cho nhau về vụ nổ cũng như vụ cháy giàn khoan Deepwater Horizon khiến 11 người thiệt mạng hồi tháng trước, để lại hậu quả là các vết dầu loang khổng lồ gây thiệt hại về kinh tế cũng như đe dọa hệ sinh thái tại bờ biển Đông Nam nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Bingaman, Chủ tịch ủy ban trên và là người chủ tọa phiên điều trần, cho rằng "một loạt những sai lầm về kỹ thuật, con người và cách thức xử lý" đã dẫn tới thảm họa tràn dầu ở vùng biển ngoài khơi bang Lousiana, đồng thời so sánh thảm họa này với vụ chìm tàu Titanic và vụ nổ tàu con thoi Challenger.

Thượng nghị sĩ Bingamen cũng chất vấn về "những quyết định đột ngột" như ngừng tất cả các hoạt động khoan dầu ngoài khơi hay xem nhẹ cuộc khủng hoảng và tiếp tục công việc như bình thường.

Một thành viên khác trong ủy ban là thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso đã buộc tội các công ty phải ra điều trần là "thủ phạm" gây ra thảm họa trên.

Tuy nhiên, trong một tài liệu gửi tới Thượng viện Mỹ, Giám đốc điều hành BP tại khu vực Bắc Mỹ nhấn mạnh trên thực tế, công ty Transocean có trụ sở ở Thụy Sĩ, chủ sở hữu giàn khoan Deepwater Horizon, phải chịu trách nhiệm do một thiết bị chính đã không hoạt động sau khi xảy ra vụ nổ, ngăn chặn việc khống chế dầu tràn ra biển.

Giám đốc Transocean, Steven Newman, đã bác bỏ những cáo buộc của BP và đổ lỗi cho Halliburton, công ty có trụ sở ở Mỹ phụ trách gắn các ống dẫn dầu và chế tạo nắp cốp pha của giếng dầu.

Về phần mình, một quan chức của Halliburton khẳng định rằng không thể lắp đặt chiếc nút gắn tạm thời vào nắp giếng dầu trước thời điểm xảy ra vụ nổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục