Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đã khó, đối với những bệnh nhân tâm thần còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều lần. Tuy nhiên, với tấm lòng “Lương y như từ mẫu,” những người thầy thuốc tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã vượt qua những trở ngại, định kiến, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh, trong đó có thể kể tới bác sỹ trẻ Đỗ Văn Thắng, phụ trách khoa bệnh nhân cấp và bán cấp nữ.
Sinh năm 1978 tại Hà Nội, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 2002 bác sỹ Thắng đã về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Đã có hai năm tu nghiệp chuyên ngành thâm thần tại Pháp (2004-2005), tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Y Hà Nội (2010), hiện nay bác sỹ Thắng đang làm nghiên cứu sinh tại bệnh viện Quân y 103, đồng thời vẫn tiếp tục công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Với thời gian 13 năm gắn bó với bệnh viện, hàng ngày chăm sóc, điều trị cho hàng chục bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần, trong đó đa số là bệnh nhân nặng, bác sỹ Thắng đã nhận thức sâu sắc một điều rằng làm bác sỹ chuyên ngành tâm thần không chỉ đòi hỏi về trình độ chuyên môn mà bên cạnh đó còn là tình yêu đối với nghề, tình yêu thương và đồng cảm với bệnh nhân.
Trong khi số lượng bệnh nhân tâm thần có xu hướng gia tăng thì nhân lực bác sỹ chuyên ngành tâm thần lại thiếu hụt trầm trọng khiến công việc thường nhật của các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần thêm vất vả.
Khoa bệnh nhân cấp và bán cấp nữ chuyên điều trị cho những bệnh nhân nữ mắc các chứng bệnh tâm thần nặng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 5-6 bệnh nhân.
Mặc dù công việc điều trị cho bệnh nhân hàng ngày rất vất vả nhưng bác sỹ Thắng thường xuyên đến từng buồng bệnh thăm, khám cho bệnh nhân; kiểm tra và theo dõi sự tiến triển hay diễn biến nặng hơn trong quá trình điều trị để có những thay đổi phù hợp cho bệnh nhân. Không ít lần gặp phải tình huống bệnh nhân kích động, đập phá, gây gổ… Phụ nữ vốn yếu ớt nhưng khi phát bệnh thì 4-5 người cũng không giữ được. Bác sỹ Thắng đã không nản, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân gây bệnh để hiểu hơn về tâm lý người bệnh, tìm cách tiếp cận, điều trị.
Bên cạnh việc thăm, khám, thuốc men cho bệnh nhân, hàng ngày, bác sỹ Thắng cùng các y bác sỹ trong khoa phải đảm nhiệm việc chăm sóc cho bệnh nhân trong tất cả những sinh hoạt đơn thuần, nhỏ nhặt nhất. Đây là công việc vô cùng vất vả, đòi hỏi sự yêu thương từ các y bác sỹ dành cho người bệnh. Từ việc vệ sinh răng miệng, ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân… tất cả các sinh hoạt thường nhật các nhân viên y tế nơi đây đều phải tận tay thực hiện cho người bệnh. Thậm chí đến cả những vấn đề “tế nhị” của phụ nữ gặp phải hàng tháng.
Bác sỹ Thắng cho biết, đối với phụ nữ bình thường, khi đến tháng cũng đã có những thay đổi, khó chịu về tâm lý. Đối với những người bệnh nơi đây, khi đến tháng, họ rất dễ kích động, tái phát khiến việc điều trị và chăm sóc thêm khó khăn...
Mặt khác, khó khăn nữa trong việc điều trị cho bệnh nhân là thiếu sự hợp tác từ phía gia đình. Liệu trình điều trị của mỗi bệnh nhân ít nhất là một tháng nhưng những bệnh nhân nữ thường có những kích động đa dạng, khó điều trị, dung nạp thuốc kém. Nhiều gia đình khi thấy điều trị vài ngày có dấu hiệu ổn định lại muốn cho bệnh nhân về trong khi đó bệnh nhân tâm thần cần phải điều trị ổn định hẳn.
Theo bác sỹ Thắng, trong việc điều trị, bên cạnh việc thuốc thang, chăm sóc y tế thì gia đình là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự ổn định tâm lý và tránh tái phát của người bệnh. Gia đình phải hiểu về bệnh, phải chăm sóc và chú ý trong từng câu chuyện nói với bệnh nhân. Đặc biệt đối với bệnh nhân nữ, gia đình và chồng không thông cảm thì việc điều trị cho người bệnh sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, bên cạnh việc điều trị, bác sỹ Thắng thường xuyên nói chuyện, tư vấn cho gia đình bệnh nhân cách chăm sóc cho bệnh nhân khi ra viện, tránh những kích động về tâm lý khiến người bệnh tái phát.
Vượt lên những khó khăn, vất vả đặc thù của nghề, bác sỹ Thắng cùng với các y, bác sỹ bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã hết lòng, tận tâm với người bệnh. Tuy nhiên, điều mà bác sỹ Thắng vẫn băn khoăn, trăn trở đó là sự kì thị của xã hội đối với bệnh tâm thần khiến bệnh nhân thường đến chữa trị khi giai đoạn bệnh nặng và khó hòa nhập với cộng đồng khi đã được điều trị ổn định. Sự kỳ thị sẽ tác động đến tâm lý của người bệnh và rất dễ khiến bệnh nhân tái phát bệnh.
Theo bác sỹ Thắng, bệnh nhân tâm thần khi chưa điều trị ổn định thì người bệnh sẽ có những rối loạn hành vi nhưng khi đã được điều trị, người bệnh có khả năng trở lại cộng đồng như những người bình thường. Do đó, gia đình và xã hội cần có những suy nghĩ và nhìn nhận tích cực hơn về bệnh tâm thần và bệnh nhân tâm thần./.