Mùa khô, các hồ chứa nước của các công trình thủy điện thi nhau tích nước thì dân chịu hạn; mùa mưa, các hồ mạnh ai nấy xả lũ thì dân bị ngập trong lũ, lụt. Tình trạng này đang là nỗi bức xúc của người dân Phú Yên sống ở vùng hạ lưu sông Ba.
Bất cập từ vận hành
Hệ thống thủy nông Đồng Cam là hệ thống nước tự chảy tưới cho hơn 19.000ha lúa tại Phú Yên. Hơn một tháng trước, vùng cuối kênh hệ thống này đã phải dùng máy bơm chống hạn cục bộ tại nhiều nơi, nguy cơ hạn lan rộng đang hiện hữu.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy nông Đồng Cam Trần Tiến Anh cho biết, mực nước qua đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam nhiều ngày nay ở mức âm 20cm, thấp nhất trong 81 năm công trình đi vào vận hành. Nguyên nhân là do các hồ thủy điện ở thượng nguồn đóng cửa đập để tích nước.
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ Võ Văn Tri, lưu lượng nước về hồ thủy điện sông Ba Hạ hiện chỉ từ 18-25 m3/giây; mực nước trong hồ trên mực nước chết 30cm. Nhà máy chỉ có thể vận hành vài giờ trong ngày, công suất chạy máy tối đa 66MW trong khi công suất thiết kế là 220MW.
Thời gian không phát điện, công ty phải đóng cửa đập để tích nước. Nằm trên thượng nguồn hồ thủy điện sông Ba Hạ là hồ thủy điện Krông H’Năng hiện đang tích nước đạt cao trình 250m/255m thiết kế. Công trình này tích nước đã góp phần làm cho hồ thủy điện sông Ba Hạ thiếu nước.
Cả hai hồ thủy điện trên có tổng dung tích 519 triệu m3. Với lượng mưa rất thấp như hiện nay cùng với việc 2 hồ tích nước đã làm cho một đoạn sông Ba trở thành dòng sông chết. Toàn bộ hơn 3km chiều dài từ cửa xả công trình hồ thủy điện sông Ba Hạ xuôi về hạ lưu bị trơ đáy, điều chưa từng xảy ra với con sông lớn nhất miền Trung này.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa (Phú Yên) Đào Duy Linh cho biết, tình trạng nắng hạn hiện đang nặng nề nhất từ trước tới nay.
Hàng ngày, 4 trạm bơm điện phải bơm nước chống hạn cho các vùng nhưng cũng chỉ hoạt động được vài giờ trong ngày theo lịch phát điện của nhà máy thủy điện sông Ba Hạ. Vấn đề này hiện là bức xúc của nông dân, nhất là với người trồng lúa đang giai đoạn trổ, chín.
Đầu tháng 11/2009, thành phố Tuy Hòa và nhiều địa phương thuộc các huyện Đông Hòa, Phú Hòa bị lũ nhấn chìm với mực nước ngang bằng cơn lũ lịch sử năm 1993. Ông Võ Minh Thức, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Bí thư Thành ủy thành phố Tuy Hòa cho hay, dân chịu cảnh ngập lụt do hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ không đúng thời điểm.
Trong khi cao trình mực nước trong hồ lúc cao điểm chỉ 105m, vẫn còn 3m cao trình cắt lũ của hồ nhưng chủ đầu tư đã cho xả lũ với lưu lượng lớn nhất lên tới 1.400 m3/giây. Cho đến nay vẫn chưa có cơ quan, cá nhân nào nhận trách nhiệm về “sự cố” này.
Khi nào thì "liên hồ"?
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên bà Trần Thị Hà nêu ý kiến, các bộ, ngành trung ương cần có giải pháp để các hồ chứa tích nước, xả nước khi vận hành và xả lũ theo quy chế hợp lý. Chính quyền các địa phương không thể quy định cho các công trình hồ chứa vận hành bởi cơ quan quản lý trực tiếp của các hồ và nhà máy thủy điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chưa kể có những công trình thủy điện nằm trên địa bàn 2 tỉnh khác nhau hoặc hồ thủy điện thuộc tỉnh này nhưng gây ảnh hưởng cho tỉnh khác khi xả lũ, chính quyền các địa phương đều gặp khó khăn trong điều hành khi có thiên tai.
Trong chuyến giám sát các công trình thủy điện trên sông Ba mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải nêu rõ: "Các công trình thủy điện vẫn chưa xây dựng quy chế điều tiết nước liên hồ, cũng chưa thể xác định được bộ, ngành nào sẽ chủ trì thực hiện vấn đề này. Ủy ban sẽ sớm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện”.
Trước khi quy chế vận hành liên hồ được xây dựng, người dân vùng hạ lưu sông Ba vẫn còn nhiều nỗi lo.
Sông Ba có chiều dài hơn 360km chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk ra cửa biển Đà Diền - thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Trên lưu vực sông Ba có 9 công trình thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 657MW, cho lượng điện 2.847,8 triệu kwh/năm; trong đó công trình thủy điện sông Hinh và sông Ba Hạ đã đi vào hoạt động, công trình Krông H’Năng sắp được vận hành.
Khi tất cả các công trình này hoàn thành, đều tích nước vào mùa khô và xả lũ mùa mưa thì hậu quả sẽ thế nào? Vấn đề cấp bách này không chỉ của riêng sông Ba mà còn là của nhiều con sông khác trên cả nước có nhiều công trình thủy điện được quy hoạch./.
Bất cập từ vận hành
Hệ thống thủy nông Đồng Cam là hệ thống nước tự chảy tưới cho hơn 19.000ha lúa tại Phú Yên. Hơn một tháng trước, vùng cuối kênh hệ thống này đã phải dùng máy bơm chống hạn cục bộ tại nhiều nơi, nguy cơ hạn lan rộng đang hiện hữu.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy nông Đồng Cam Trần Tiến Anh cho biết, mực nước qua đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam nhiều ngày nay ở mức âm 20cm, thấp nhất trong 81 năm công trình đi vào vận hành. Nguyên nhân là do các hồ thủy điện ở thượng nguồn đóng cửa đập để tích nước.
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ Võ Văn Tri, lưu lượng nước về hồ thủy điện sông Ba Hạ hiện chỉ từ 18-25 m3/giây; mực nước trong hồ trên mực nước chết 30cm. Nhà máy chỉ có thể vận hành vài giờ trong ngày, công suất chạy máy tối đa 66MW trong khi công suất thiết kế là 220MW.
Thời gian không phát điện, công ty phải đóng cửa đập để tích nước. Nằm trên thượng nguồn hồ thủy điện sông Ba Hạ là hồ thủy điện Krông H’Năng hiện đang tích nước đạt cao trình 250m/255m thiết kế. Công trình này tích nước đã góp phần làm cho hồ thủy điện sông Ba Hạ thiếu nước.
Cả hai hồ thủy điện trên có tổng dung tích 519 triệu m3. Với lượng mưa rất thấp như hiện nay cùng với việc 2 hồ tích nước đã làm cho một đoạn sông Ba trở thành dòng sông chết. Toàn bộ hơn 3km chiều dài từ cửa xả công trình hồ thủy điện sông Ba Hạ xuôi về hạ lưu bị trơ đáy, điều chưa từng xảy ra với con sông lớn nhất miền Trung này.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa (Phú Yên) Đào Duy Linh cho biết, tình trạng nắng hạn hiện đang nặng nề nhất từ trước tới nay.
Hàng ngày, 4 trạm bơm điện phải bơm nước chống hạn cho các vùng nhưng cũng chỉ hoạt động được vài giờ trong ngày theo lịch phát điện của nhà máy thủy điện sông Ba Hạ. Vấn đề này hiện là bức xúc của nông dân, nhất là với người trồng lúa đang giai đoạn trổ, chín.
Đầu tháng 11/2009, thành phố Tuy Hòa và nhiều địa phương thuộc các huyện Đông Hòa, Phú Hòa bị lũ nhấn chìm với mực nước ngang bằng cơn lũ lịch sử năm 1993. Ông Võ Minh Thức, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Bí thư Thành ủy thành phố Tuy Hòa cho hay, dân chịu cảnh ngập lụt do hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ không đúng thời điểm.
Trong khi cao trình mực nước trong hồ lúc cao điểm chỉ 105m, vẫn còn 3m cao trình cắt lũ của hồ nhưng chủ đầu tư đã cho xả lũ với lưu lượng lớn nhất lên tới 1.400 m3/giây. Cho đến nay vẫn chưa có cơ quan, cá nhân nào nhận trách nhiệm về “sự cố” này.
Khi nào thì "liên hồ"?
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên bà Trần Thị Hà nêu ý kiến, các bộ, ngành trung ương cần có giải pháp để các hồ chứa tích nước, xả nước khi vận hành và xả lũ theo quy chế hợp lý. Chính quyền các địa phương không thể quy định cho các công trình hồ chứa vận hành bởi cơ quan quản lý trực tiếp của các hồ và nhà máy thủy điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chưa kể có những công trình thủy điện nằm trên địa bàn 2 tỉnh khác nhau hoặc hồ thủy điện thuộc tỉnh này nhưng gây ảnh hưởng cho tỉnh khác khi xả lũ, chính quyền các địa phương đều gặp khó khăn trong điều hành khi có thiên tai.
Trong chuyến giám sát các công trình thủy điện trên sông Ba mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải nêu rõ: "Các công trình thủy điện vẫn chưa xây dựng quy chế điều tiết nước liên hồ, cũng chưa thể xác định được bộ, ngành nào sẽ chủ trì thực hiện vấn đề này. Ủy ban sẽ sớm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện”.
Trước khi quy chế vận hành liên hồ được xây dựng, người dân vùng hạ lưu sông Ba vẫn còn nhiều nỗi lo.
Sông Ba có chiều dài hơn 360km chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk ra cửa biển Đà Diền - thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Trên lưu vực sông Ba có 9 công trình thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 657MW, cho lượng điện 2.847,8 triệu kwh/năm; trong đó công trình thủy điện sông Hinh và sông Ba Hạ đã đi vào hoạt động, công trình Krông H’Năng sắp được vận hành.
Khi tất cả các công trình này hoàn thành, đều tích nước vào mùa khô và xả lũ mùa mưa thì hậu quả sẽ thế nào? Vấn đề cấp bách này không chỉ của riêng sông Ba mà còn là của nhiều con sông khác trên cả nước có nhiều công trình thủy điện được quy hoạch./.
Ly Kha (Vietnam+)