Người mẫu trẻ suýt chết vì bị hội chứng sốc độc do dùng tampon

Mỹ: Người mẫu trẻ suýt chết vì bị hội chứng sốc độc do dùng tampon

Một người mẫu trẻ ở Mỹ từng sử dụng băng vệ sinh Kotex dạng tampon đang khởi kiện công ty sản xuất cùng các cửa hàng bán sản phẩm này sau khi suýt chết vì trúng độc và phải cắt bỏ một chân.
Mỹ: Người mẫu trẻ suýt chết vì bị hội chứng sốc độc do dùng tampon ảnh 1Lauren (trái) cùng một người bạn cách đây 3 năm.

Một người mẫu trẻ ở Mỹ từng sử dụng băng vệ sinh Kotex dạng tampon đang khởi kiện công ty sản xuất cùng các cửa hàng bán sản phẩm này sau khi suýt chết vì hội chứng sốc chất độc (TSS) và phải cắt bỏ một bên chân.

Đơn khởi kiện của người mẫu Lauren Wasser buộc tội tập đoàn Kimberly-Clark Corporation cùng chuỗi cửa hàng tạp hóa Kroger và Ralph’s phải chịu trách nhiệm vì đã hoạt động “chểnh mảng, cẩu thả và không tuân thủ pháp luật.”

Lauren đã phải nhập viện vì hội chứng sốc độc bởi trên nhãn hộp tampon không ghi chú cảnh báo rõ ràng ngoài dòng chữ “thay băng sau mỗi 4 đến 8 tiếng.”

Ba năm trước, cô gái Lauren đã có cuộc sống trong mơ. Với chiều cao 1m80, từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang danh tiếng Vogue của Italy khi mới hai tuổi, Lauren là một người mẫu sáng giá. Cô còn tham gia các lớp học diễn xuất, luyện tập thể thao và vui chơi với bạn bè.

Tai họa khiến cuộc đời Lauren hoàn toàn thay đổi diễn ra vào ngày định mệnh 3/10/2012, khi cô tới cửa hàng tạp hóa Ralph’s mua loại tampon có tên Kotex Natural Balance.

Như mọi người dùng khác, Lauren luôn nhớ thay băng sau mỗi 3-4 tiếng, và hôm đó có đã thay băng 3 lần. Trong bữa tiệc đêm ở nhà một người bạn, Lauren bắt đầu cảm thấy mệt mỏi.

Cô về nhà và vật ra giường. Cô chỉ nhớ mình nghe thấy tiếng cảnh sát gõ cửa nhà, nhưng quá mệt và không thể dậy được. Một người bạn của cô sau đó dẫn cảnh sát quay lại phá cửa và phát hiện cô nằm sấp trên giường, sốt cao gần 42 độ C.

Lauren được đưa thẳng vào bệnh viện. Các bác sỹ nói các cơ quan nội tạng của cô đang dần suy yếu, cô bị một cơn đau tim nghiêm trọng và chỉ cách cái chết có 10 phút đồng hồ.

Đội cấp cứu không thể tìm ra nguyên nhân cho tới khi một chuyên gia bệnh truyền nhiễm nghi ngờ là do chiếc tampon trong người cô. Sau khi xét nghiệm, chiếc tampon cho kết quả dương tính với hội chứng sốc độc.

Mỹ: Người mẫu trẻ suýt chết vì bị hội chứng sốc độc do dùng tampon ảnh 2Lauren và mẹ trong bệnh viện.

Hội chứng này cơ bản là sự nhiễm khuẩn, và mặc dù hiếm gặp, nhưng hội chứng sốc độc có liên quan tới việc sử dụng tampon và đã từng được ghi nhận khi loại tampon có tên Rely của hãng Proctor&Gamble gây ra nhiều cái chết trong những năm 1980. Tỷ lệ mắc hội chứng này chỉ có 1/100.000, do đó ít khi được đề cập trên báo chí.

Lauren đã được gây mê trong suốt nhiều ngày, và phải truyền rất nhiều dịch để đẩy chất độc ra. “Bụng tôi phình to lắm. Có rất nhiều dây và ống gắn vào người tôi. Tôi chẳng thể nói được câu gì.” Nhưng cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc. Do bị nhiễm độc, chân phải của cô đã hoại tử và phải cắt bỏ đến hết phần dưới đầu gối.

Lauren hy vọng vụ kiện của mình sẽ tăng cường nhận thức về việc sử dụng sợi tổng hợp trong ngành sản xuất tampon cũng như giúp phụ nữ nhận ra hiểm họa của hội chứng sốc độc. Mùa Thu tới, cô hy vọng sẽ được đứng trước Quốc hội Mỹ cùng nghị sỹ bang New York Carolyn Maloney.

Bà Maloney là người đang vận động thông qua đạo luật Robin Danielson, được đặt theo tên một phụ nữ tử vong do hội chứng sốc độc năm 1998 nhằm xây dựng một chương trình nghiên cứu các nguy cơ tiềm ẩn của các chất hóa học trong các sản phẩm vệ sinh phụ nữ.

Lauren cũng đã mất một thời gian dài để chấp nhận những gì đã xảy ra với mình. Bây giờ cô đã vui vẻ hơn và thậm chí có thể bông đùa về những gì mình đã trải qua. Tuy nhiên, cô vẫn không thể chịu được khi thấy những cô gái trẻ trong các quảng cáo tampon. “Bạn biết hút thuốc lá sẽ giết chết bạn, nên nếu bạn vẫn hút thuốc thì đấy là lựa chọn của bạn. Nếu tôi biết về hội chứng sốc độc, tôi sẽ không bao giờ dùng tampon.”

Mỹ: Người mẫu trẻ suýt chết vì bị hội chứng sốc độc do dùng tampon ảnh 3Vỏ hộp tampon Kotex, loại tampon khiến Lauren trúng độc.

Trong vòng 50 năm qua, tampon đã chuyển từ chất liệu bông sang sợi tổng hợp như rayon hay plastic, và một số chuyên gia cho rằng những sợi tổng hợp này, cùng với việc tampon được đặt sâu trong cơ thể sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục