Người phụ nữ biết làm cho gỗ… nở hoa

Những khúc gỗ thô mộc, xù xì, vô hồn nhưng nhờ tài năng sáng tạo và đôi tay khéo léo của chị Hương đã trở thành những đóa hoa rực rỡ.
Những khúc gỗ thô mộc, xù xì, vô hồn nhưng nhờ tài năng sáng tạo và đôi tay khéo léo của một người phụ nữ đã trở thành những đóa hoa rực rỡ, độc đáo.

Biết bao du khách trong và ngoài nước đã tìm nhà chị Phùng Thị Hương (52 tuổi) ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội), để chiêm ngưỡng tài năng, ngắm nhìn những bông hoa tinh xảo và đặt hàng, mua sản phẩm mang về làm quà lưu niệm cho bạn bè, người thân.

Từ hơn 10 năm nay những bông hoa gỗ do chị Hương cùng một số người thợ thủ công ở làng Vạn Điểm làm ra đã thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Cộng hòa Séc, Slovakia, Bỉ...

Vốn có nghề truyền thống của gia đình là sản xuất đồ gỗ chạm khảm, ngay từ khi còn là một cô bé con, chị Hương đã có niềm đam mê nghệ thuật, thích trang trí và sáng tạo các nét hoa văn mới trên gỗ. Sau này, khi đã có gia đình riêng, chồng đi làm ăn ở xa, các con còn nhỏ nhưng cứ mỗi lúc rảnh rỗi là chị Hương lại ngỗi tỉ mẩn nghiên cứu, mày mò, cưa cưa, đục đục, đẽo tỉa để làm nên những bông hoa gỗ đầu tiên bày trong nhà.

Ngỡ rằng làm hoa gỗ chỉ để thỏa mãn lòng yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp cho riêng mình. Nhưng một lần, vào giữa năm 1998, có một Việt kiều khi đến thăm quan làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm đã thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp của những bông hoa gỗ ở nhà chị Hương. Ông đã đặt chị làm hoa gỗ để mang về trang trí.

Cơ duyên đến với nghề làm hoa từ gỗ của chị Hương được bắt đầu từ đó. Song, làm hoa gỗ cho riêng mình thưởng thức đã rất khó; làm hoa gỗ để xuất khẩu, để nhiều người với những quan niệm thẩm mỹ khác nhau, tập quán văn hóa khác nhau chiêm ngưỡng mà vẫn cảm nhận được cái đẹp, nét tài hoa của nguời thợ thủ công Việt Nam thì lại càng khó hơn.

Sau một quá trình chọn lựa, thử nghiệm độ bền, độ dẻo, độ thẩm thấu mầu nhuộm… chị Hương đã quyết định chọn loại gỗ bồ đề để làm hoa. Tìm được loại gỗ phù hợp, chị lại công phu sáng tạo, thiết kế rất nhiều mẫu hoa với đủ loại hình dáng và kích cỡ khác nhau, từ bông hoa sen sang trọng, bông hồng đỏ thắm đến bông cúc hay cành mai vàng rực rỡ.

Chị Hương cho biết làm hoa gỗ không giống như làm hoa giấy hay hoa vải. Để có được những bông hoa gỗ không khác gì… hoa thật, cánh mỏng manh, trông mềm mại, có hồn và giữ được độ bền, ban đầu chị phải rất kỳ công dùng kéo cắt từng cánh hoa, tẩy trắng rồi mới nhuộm mầu phù hợp. Trong quá trình nhuộm màu, từng cánh hoa gỗ phải được ngâm với thời gian khác nhau, sau đó được sấy khô, dùng keo để ghép các cánh lại thành một bông hoa hoàn chỉnh. Còn cành hoa được tạo nên bằng que tre hoặc dây thép quấn trông rất nghệ thuật.

Không dừng ở việc cắt từng cánh hoa một cách thủ công, chị Hương còn trăn trở chế tạo ra máy cắt các cánh hoa từ gỗ. Hiện nay, xưởng hoa gỗ Trường Thành của gia đình chị đã có hơn chục máy cắt cánh hoa, đảm bảo cắt được cánh của 20 loại hoa khác nhau rất chính xác.

Đuợc hỏi về bí quyết làm hoa gỗ, chị Hương chỉ nhỏ nhẹ: “Có bàn tay khéo léo, sự kiên trì, tinh tế trong quan sát và khả năng sáng tạo là làm được“.

Tâm huyết với nghề làm hoa gỗ lại có sự nhay nhạy trong kinh doanh nên hơn 10 năm nay, xưởng hoa gỗ nghệ thuật của chị Hương liên tục nhận được những đơn đặt hàng với số lượng lớn. Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, xưởng hoa gỗ của chị Hương đã xuất sang Cộng hòa Séc được gần chục vạn bông hoa hồng và hoa mai bằng gỗ. Ngoài lao động trong gia đình, xưởng hoa đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương với mức lương ổn định từ 900.000đồng/người/tháng trở lên.

Không chỉ là một nghề mưu sinh, những sáng tạo trong nghề làm hoa gỗ của chị Phùng Thị Hương đã thực sự góp phần làm nên nét tài hoa, khéo léo của những người thợ thủ công trên mảnh đất Thăng Long- Hà Nội hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục