Nguồn nhân lực: Chất lượng cao và bằng cấp cao là hai việc khác nhau

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân xung quanh việc làm sao để Luật Giáo dục nghề nghiệp thực sự đi vào cuộc sống.
Nguồn nhân lực: Chất lượng cao và bằng cấp cao là hai việc khác nhau ảnh 1Sinh viên Trường Trung cấp nghề Hùng Vương, TP.HCM,  trong giờ thực hành cơ điện tử-cơ khí. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Đây được coi bước quan trọng đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) xung quanh việc làm sao để Luật Giáo dục nghề nghiệp thực sự đi vào cuộc sống.

- Xin Tổng Cục trưởng cho biết những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp?

Ông Dương Đức Lân: Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tám vừa qua tạo sự thống nhất giữa cao đẳng với cao đẳng nghề; trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề.

Theo Luật, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và cao đẳng. Quy định này giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất hơn, phù hợp với khu vực, quốc tế, tương thích với Khung trình độ quốc gia đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Khung trình độ quốc gia, giáo dục nghề nghiệp gồm 5 trình độ (bậc 1 đến 5). Trình độ sơ cấp tương đương với bậc 3, trình độ trung cấp tương đương bậc 4, trình độ cao đẳng tương đương bậc 5. Mỗi bậc trình độ sẽ xác định chuẩn "đầu ra," từ đó tiến đến xây dựng chương trình đào tạo tương ứng với từng trình độ.

Những sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng (bậc 5) đối với những ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ sẽ được công nhận là kỹ sư thực hành. Đối với những ngành nghề không phải kỹ thuật công nghệ, sinh viên tốt nghiệp sẽ được công nhận là cử nhân thực hành. Điều này sẽ khuyến khích các em tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, việc phân định giữa Đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp hệ thống đào tạo rõ nét hơn. Giáo dục Đại học chú trọng về lý thuyết (hệ thống Hàn lâm), hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ chú trọng về thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề để khi ra làm việc, sinh viên sẽ trở thành người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

- Theo Tổng Cục trưởng, việc ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cải thiện về chất lượng lao động Việt Nam như thế nào?

Ông Dương Đức Lân: Chất lượng lao động đang là vấn đề đáng quan tâm. Năng suất lao động do nhiều yếu tố quyết định như chất lượng lao động, môi trường làm việc, cơ chế.... Phần lớn lao động Việt Nam hiện chưa qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động thấp.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp năng suất lao động cao phải nói đến đó là kỹ năng nghề. Vì vậy, chất lượng đào tạo là vấn đề hết sức quan trọng cần được đẩy mạnh nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế.

Tôi cho rằng, chất lượng lao động sẽ quyết định năng suất lao động. Đảng, Nhà nước đã xác định giai đoạn từ nay đến 2020 là đột phá chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được hiểu ở đây không phải là nhân lực có bằng cấp cao mà mà nhân lực có chất lượng cao vì chất lượng cao và bằng cấp cao là hai câu chuyện khác nhau.

Mục tiêu của Luật Giáo dục nghề nghiệp tập trung chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động qua việc tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập ASEAN, quốc tế; phân luồng đào tạo và phổ cập giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên; phấn đấu đào tạo khoảng 2 triệu người/năm; trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 30-40%; phấn đấu khoảng 80% số người qua đào tạo có việc làm.

Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục xây dựng các trường chất lượng cao tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực ASEAN, đồng thời đào tạo các nghề trọng điểm được các nước trong khu vực ASEAN và thế giới công nhận.

Vì vậy, các giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung theo hướng đa dạng, linh hoạt, gắn với quy hoạch của các ngành; vùng kinh tế, địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập góp phần tăng nhanh về quy mô, số lượng lao động qua đào tạo.

Cùng với việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp đồng bộ để giáo dục nghề nghiệp phát triển sẽ xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời, tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở và các chương trình đào tạo, đảm bảo hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia, khu vực và thế giới; đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Thực hiện được các giải pháp cơ bản trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam sẽ đào tạo được nguồn nhân lực có quy mô hợp lý, có chất lượng, đặc biệt nguồn nhân lực đòi hỏi kiến thức, kỹ năng trình độ cao góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định 761 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề đang triển khai xây dựng các trường nghề chất lượng cao với 6 tiêu chí.

Đồng thời, Tổng cục cũng đang chuyển giao 12 giáo trình đào tạo của Australia. Sinh viên Việt Nam được đào tạo theo giáo trình này, khi tốt nghiệp sẽ được hai bằng chứng nhận của Việt Nam và Australia, điều này bảo đảm cho sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực. Đây là những bước đi đang dần được triển khai hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.

- Vậy, để Luật Giáo dục nghề nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có bước chuẩn bị thế nào, thưa ông?

Ông Dương Đức Lân: Đến ngày 1/7/2015, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là rất cao. Nếu mục tiêu nói chung cho đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp chiếm tới hơn 80%, đại học chỉ chiếm hơn 10%.

Trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tất cả các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức thực hiện tuyển sinh đào tạo như bình thường. Do đó, năm học 2014-2015, các trường đại học sẽ tiếp tục tuyển sinh cao đẳng, tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng theo quy định. Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuân theo quy chế tuyển sinh đào tạo do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định.

Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Nghị định và 3 Quyết định vào tháng Tư này.

Để chuẩn bị hướng dẫn các nội dung theo thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại Trung ương, Tổng cục Dạy nghề đang dự thảo 24 Thông tư hướng dẫn các nội dung khác theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tập trung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề để tổng hợp, báo cáo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ còn đang dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục