Nguy cơ xảy ra chiến tranh lớn tại vùng Trung Đông

Mọi thành tố của cuộc xung đột khu vực lớn hơn tại Trung Đông dần xuất hiện, khi ngày "định mệnh" - bầu cử tổng thống Mỹ 6/11 - tới gần.

Căng thẳng leo thang giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quốc tế hóa cuộc xung đột này, lôi kéo các cường quốc lớn tham gia. Tình trạng bạo lực giữa Israel và các nhóm Hồi giáo Palestine cũng có tác động tương tự.

Theo mạng tin Oil Price ngày 11/10, mọi thành tố của một cuộc xung đột khu vực lớn hơn tại Trung Đông đang dần xuất hiện, khi ngày "định mệnh" - ngày bầu cử tổng thống Mỹ 6/11 - đang tới gần.

Thứ nhất, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước đã bỏ phiếu trao cho Thủ tướng quyền tiến hành chiến tranh chống lại Syria.

Đó là một động thái phòng ngừa, trong lúc các cuộc tấn công của Syria vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự thay đổi.

Trong vài tuần gần đây, đạn pháo và đạn cối từ Syria đã nhiều lần bắn sang đất Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đang triển khai các lực lượng vũ trang dọc biên giới với Syria, củng cố một số vị trí bằng pháo cao xạ và xe bọc thép.

Khi quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - từng là những nước láng giềng thân thiện - xấu đi hàng tuần, tất cả những thành tố cho một cuộc đối đầu giữa hai nước đang xuất hiện.

Một cuộc đụng độ lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dường như không thể tránh khỏi, các động thái để châm ngòi và lôi kéo Ankara vào cuộc xung đột Syria đã diễn ra suốt 19 tháng qua.

Quân đội Syria, bị suy yếu do các vụ đào ngũ và những thương vong từ cuộc nội chiến, sẽ khó có thể đẩy lùi một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ của họ, nếu cuộc tấn công này diễn ra.

Cho đến nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là mạnh nhất, được huấn luyện và trang bị tốt nhất ở Trung Đông.

Do là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nên nếu bị tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dựa vào điều khoản rằng một cuộc tấn công vào một thành viên NATO tương đương với việc tấn công toàn bộ liên minh.

Nhưng Ankara, bất chấp sức mạnh quân sự vượt trội của họ, đang muốn tránh một cuộc đụng độ công khai với Syria vì sợ có thể châm ngòi cho các hoạt động bạo lực ở một số cộng đồng thiểu số của họ, trong đó có những người Alawites đang tạo thành một cộng đồng quan trọng ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, xa hơn một chút về phía nam, Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái. Đây là một diễn biến hoàn toàn mới trong cuộc khủng hoảng Trung Đông.

Ngày 11/10, thủ lĩnh Hezbollah ở Liban Hassan Nasrallah cho biết phong trào vũ trang Hồi giáo dòng Shi'ite này đã đưa một chiếc máy bay không người lái do Iran chế tạo vào không phận Israel, quốc gia mà họ không công nhận.

Phát biểu trên truyền hình, ông Nasrallah nói: “Một chiếc máy bay do thám tinh vi đã cất cánh từ lãnh thổ Lebanon, vượt qua hàng trăm km trên biển trước khi bay qua các giới tuyến của kẻ thù và xâm nhập vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.

Ông cũng cho biết chiếc máy bay này đã bay trên các cơ sở nhạy cảm ở miền Nam Palestine và bị bắn hạ gần lò phản ứng hạt nhân Dimona.

Thứ ba, xa hơn nữa về phía nam, dọc biên giới phía nam của Israel, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine và nhóm Hồi giáo Jihad nhỏ hơn đang tiến hành "một cuộc tấn công khủng bố lớn" nhằm vào các thị trấn Israel.

Hơn 55 quả rocket và đạn cối đã được bắn vào nhà nước Do Thái trong vòng 24 giờ. Các quan chức Israel cho biết đây là vụ pháo kích lớn nhất từ Gada kể từ cuối tháng 6/2012, khi hơn 80 quả rocket được bắn trong 4 ngày và báo hiệu sự leo thang chiến sự của Hamas.

Vụ tấn công này cũng là một chỉ số rõ ràng rằng Hamas không rời bỏ phe của Iran.

Israel cáo buộc Hamas đang quay lại quân sự hóa các thánh đường Hồi giáo và các tòa nhà công cộng khác. Trong cuộc chiến tranh tháng 12/2008, Hamas đã biến hơn 100 thánh đường Hồi giáo thành các nhà kho và căn cứ.

Những tuyên bố kiểu này, đề cập đến đạn dược và vũ khí đang được cất ở bên trong các thánh đường Hồi giáo, đang bào chữa trước cho các cuộc tấn công trả đũa của Israel vào các địa điểm như vậy.

Vậy đâu là sự kết nối giữa tình trạng bạo lực ở phía bắc (giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ), những khó khăn ở phía nam (giữa Dải Gaza và Israel), vụ máy bay không người lái bị bắn hạ tại Israel và cuộc nội chiến bạo lực hơn tại Syria?

Và tại sao, ngày bầu cử tổng thống Mỹ lại là ngày định mệnh?

Sợi chỉ chung xuyên suốt tất cả các sự kiện này là Syria và Iran. Cả Iran và Syria đều mong muốn làm trệch hướng phần nào sức ép nhằm vào nước họ: Iran là vì chương trình hạt nhân và Syria vì việc sử dụng bạo lực quá mức chống lại người dân.

Căng thẳng leo thang giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quốc tế hóa cuộc xung đột này, lôi kéo các cường quốc lớn tham gia.

Tình trạng bạo lực giữa Israel và các nhóm Hồi giáo Palestine cũng có tác động tương tự.

Tất cả những thành tố khác nhau này sẽ góp phần đẩy tình hình tới điểm mấu chốt, khi nước Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục