Nhật Bản sẽ có máy tính lượng tử nội địa đầu tiên trong một năm tới

Chiến lược quốc gia mới về công nghệ lượng tử là một trong những trụ cột quan trọng của chiến lược tăng trưởng trong tổng thể khái niệm “chủ nghĩa tư bản mới” do Thủ tướng Nhật Bản Fumio đề xuất.
Nhật Bản sẽ có máy tính lượng tử nội địa đầu tiên trong một năm tới ảnh 1Giáo sư tại Đại học Tokyo tham gia nhóm nghiên cứu phát triển máy tính lượng tử nội địa của Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)

Dự thảo chiến lược quốc gia mới về công nghệ lượng tử được nội các Nhật Bản giới thiệu ngày 6/4 đã xác định mục tiêu cho ra đời máy tính lượng tử đầu tiên do Nhật Bản sản xuất trong tài khóa 2022.

Chiến lược quốc gia mới về công nghệ lượng tử là một trong những trụ cột quan trọng của chiến lược tăng trưởng trong tổng thể khái niệm “chủ nghĩa tư bản mới” do Thủ tướng Kishida Fumio đề xuất.

Dự thảo này xác định mục tiêu cho ra đời máy tính lượng tử nội địa đầu tiên trong tài khóa 2022, thiết lập 4 cơ sở nghiên cứu và hỗ trợ công nghệ lượng tử và tăng số lượng người dùng công nghệ lượng tử tại Nhật Bản lên khoảng 10 triệu người vào năm 2030.

Trong chiến lược mới “Tầm nhìn xã hội lượng tử tương lai” (tên dự kiến), Nhật Bản xác định công nghệ lượng tử sẽ là cốt lõi của cuộc chiến công nghệ giữa các quốc gia trong tương lai.

Ở góc độ an ninh quốc gia, chiến lược này cũng xác định cần phải sở hữu công nghệ lượng tử tiên tiến do chính Nhật Bản làm chủ và bảo bảo nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định bền vững trong lĩnh vực này.

Các cơ sở nghiên cứu và hỗ trợ công nghệ lượng tử cũng được thành lập tại Đại học Tohoku, Đại học Công nghệ Okinawa, Viện Khoa học công nghệ quốc gia về phóng xạ và chùm lượng tử, Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia.

Nguồn kinh phí hoạt động sẽ được sử dụng bằng quỹ tư nhân kết hợp với ngân sách của chính phủ Nhật Bản để đảm bảo công tác nghiên cứu, thử nghiệm và thành lập công ty mới về công nghệ lượng tử.

[Các nhà khoa học Israel đã phát triển thành công máy tính lượng tử]

Công nghệ lượng tử là công nghệ sử dụng các định luật vật lý cực nhỏ (cơ học lượng tử) để thực hiện các liên lạc, tính toán, đo lường…

Công nghệ này được sử dụng cho máy tính lượng tử với khả năng tính toán cao gấp nhiều lần so với siêu máy tính hiện nay và được ứng dụng công nghệ mã hóa nên có tính bảo mật cao.

Dự kiến, đến năm 2030, Nhật Bản sẽ có khoảng 10 triệu người dùng công nghệ lượng tử và sẽ tạo ra giá trị kinh tế quy mô khoảng 50.000 tỷ yen (khoảng 400 tỷ USD).

Trong lương lai, công nghệ này cũng sẽ được ứng dụng vào toàn bộ hệ thống kinh tế-xã hội tại Nhật Bản như tài chính, chăm sóc y tế, giao thông vận tải và hàng không nhằm cải thiện năng suất lao động và đảm bảo an toàn thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục