Nhiều hoạt động hướng về Giỗ tổ Hùng Vương 2012

Ngày 30 và 31/3, tại các đại phương trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch).
Trong không khí thiêng liêng của cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 31/3 (tức mồng 10/3 Âm lịch), tại khuôn viên Công viên Lịch sử-Văn hóa Dân tộc, Khu Tưởng niệm các Vua Hùng, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, đông đảo đồng bào thành phố đã đến dâng hương, tưởng nhớ đến công ơn to lớn của các Vua Hùng, tổ tiên xưa đã có công dựng nước và giữ nước.

Bà Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã ôn lại lịch sử và kêu gọi các cấp, các ngành và đồng bào chiến sỹ thành phố cùng nhau đoàn kết, nỗ lực thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm nay của thành phố.

Đồng bào thành phố cùng đồng bào cả nước tiếp tục vượt qua mọi khó khăn thử thách, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các cấp, ngành huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tập trung cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Bên cạnh đó, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đạt hiệu quả cao “Năm An toàn giao thông 2012,” nâng cao trách nhiệm điều hành, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tự hào về cội nguồn thiêng liêng và đất nước ngàn năm văn hiến, đồng bào thành phố nguyện sống xứng đáng với công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên và các bậc tiền hiền; tiếp tục giữ gìn và vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tiếp tục công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, khai thác mọi nguồn lực, cần kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến lý tưởng và mục tiêu cao cả của Đảng và nhân dân thành hiện thực trên đất nước của các Vua Hùng hôm nay.

Sáng cùng ngày, tại Khu du lịch thác Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức “Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 2012” thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách tham gia.

Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng từ sáng sớm, rất đông người đã tập trung tại khu vực Đến thượng thuộc Khu du lịch Prenn để dự lễ tế Quốc tổ, đám rước kiệu và dâng hương tưởng nhớ các vị vua Hùng. Sau lễ khai mạc, dòng người lần lượt kéo lên đền Thượng-Trung-Hạ dâng hương tưởng nhớ công ơn của vị Quốc tổ đã có công dựng nước. Lễ hội cũng diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian như thổi cơm thi, hứng dừa, dưa hấu An Tiêm, giới thiệu nghệ thuật bài chòi, thư pháp…

Đồng thời, năm nay Ban tổ chức còn xây dựng khu ẩm thực dân gian “Hội ngộ gánh chè 3 miền” quy tụ 20 gánh chè đặc trưng của 3 miền Bắc-Trung-Nam để phục vụ khách tham quan.

Theo Ban tổ chức, năm nay ngoài lượng khách đến từ các nơi còn có khoảng 3.000 sinh viên, học sinh của 6 trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp ở Đà Lạt đến tham dự lễ hội.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đã tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại đền thờ các vua Hùng thuộc phường 6, với các nghi lễ rước kiệu, lễ tế Quốc tổ, dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng…

Hội đồng hương Phú Thọ đã tổ chức họp mặt bà con tỉnh Phú Thọ sinh sống và làm việc tại Bình Dương thắp hương kỷ niệm lễ Giỗ tổ Hùng Vương, cùng nhau ôn lại công đức của các Vua Hùng có công dựng nước và giữ nước.

Học sinh Trường chuyên Hùng Vương ở thị xã Thủ Dầu Một tổ chức hội trại kỷ niệm Quốc tổ Hùng Vương tại sân trường với sự tham gia của học sinh các cấp cùng nhiều hoạt động phong phú.

Cùng ngày tại Bảo tàng tỉnh, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Dương tổ chức Hội trại lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương với sự tham gia của trên 20 võ sư, lão võ sư, huấn luyện viên cùng 300 võ sinh với mục đích hướng thế hệ trẻ, các võ sinh phải nhớ đến tổ tiên, cội nguồn của dân tộc; giá trị dựng nước của các vua Hùng và giữ nước qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... cho mãi đến thời đại Hồ Chí Minh ngày hôm nay; tổ chức những trò chơi dân gian truyền thống; biểu diễn các tiết mục võ thuật đặc sắc, cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Trước đó tối 30/3, tại Công viên Dĩ An, Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thể thao thị xã cùng các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thị xã tổ chức Lễ hội Quốc tổ Hùng Vương với sự tham gia hơn 1.000 giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn, các chức sắc tôn giáo, các ban nghi lễ Đình, Hội Người cao tuổi cùng đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã.

Lễ hội năm nay được tổ chức hoành tráng với nhiều nghi thức trang nghiêm và trọng thể như lễ tế văn, tế võ, dâng hương, dâng lễ phẩm lên bàn thờ Quốc tổ gồm mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh giầy, chương trình văn nghệ được sân khấu hóa ấn tượng và đặc sắc...

Tại tỉnh Kiên Giang tổ chức trọng thể và trang nghiêm lễ dâng hương Quốc tổ vua Hùng tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, gợi lại hào khí "con Hồng, cháu Lạc" và truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước. Hàng ngàn đồng bào trong và ngoài tỉnh tề tựu về đây mang phẩm vật tự tay mình làm ra, đặc sản địa phương dâng cúng, thắp hương lễ bái với lòng thành kính các bậc tiền nhân.

Giỗ tổ Hùng Vương năm nay ở tỉnh Kiên Giang diễn ra trong 2 ngày 30-31/3, với nhiều hoạt động phong phú đậm đà bản sắc dân tộc như văn hóa văn nghệ; thi đấu thể thao; biễu diễn lân sư rồng; tổ chức trò chơi dân gian gồm: đẩy gậy, đi cà kheo, thả bắt vịt, kéo co; hội thi ẩm thực, nấu những món ăn truyền thống; lễ sơ nghinh; rước lễ vật; dâng hương và lễ tạ ơn công đức vua Hùng và những bậc tiền nhân.

Trước đó, huyện Tân Hiệp đã đầu tư 700 triệu đồng trùng tu, tôn tạo Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương khang trang, với nhiều hạng mục công trình. Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương do những người dân gốc Bắc vào Nam ở ấp Đông Bình (Tân Hiệp) xây dựng vào năm 1957 của thế kỷ trước, với tâm nguyện làm nơi tưởng nhớ cội nguồn của “con Hồng, cháu Lạc” và “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đầy tính nhân văn.

Hiện, ngôi đền có kiến trúc đẹp, xây trên nền tảng tái hiện cách điệu 3 đền chính của đền Hùng ở Phú Thọ là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng theo phong cách kiến trúc tổng hoà giữa truyền thống dân tộc với đặc trưng văn minh miệt vườn vùng sông nước Nam Bộ.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích ngôi đền trên quy mô diện tích khuôn viên 20.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và đóng góp của bà con, các nhà hảo tâm trong, ngoài nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục