Nhiều hoạt động quảng bá du lịch Ninh Thuận ở phố đi bộ Hà Nội

Ngày Văn hóa và Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội được tổ chức nhằm giới thiệu các giá trị địa phương đặc sắc tới người dân Thủ đô, tạo cơ hội quảng bá, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành.

Thử ăn nho Ninh Thuận, xem nghệ nhân trình diễn nặn gốm Bàu Trúc, dệt vải Mỹ Nghiệp truyền thống và tìm hiểu về các địa danh, trải nghiệm du lịch mới tại Ninh Thuận v.v... là các hoạt động quảng bá trong sự kiện Ngày Văn hóa và Du lịch Ninh Thuận, được tổ chức từ ngày 1-2/10 tại trung tâm Thành phố Hà Nội.

Hướng tới mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận chú trọng việc khai thác các tiềm lực về thiên nhiên, di sản, văn hóa đặc sắc của mình.

Nơi đây có khí hậu ít mưa, nhiều nắng, ít chịu ảnh hưởng của bão, có bờ biển dài 105km với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng, trong đó Vườn quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, vịnh Vĩnh Hy là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam, nghệ thuật văn hóa Chăm đặc sắc cùng khả năng phát triển những loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, là tiềm năng để phát triển du lịch như nho, táo, tỏi, măng tây, dê, cừu…

[Du lịch Ninh Thuận: Phát triển bền vững từ những tiềm năng riêng có]

Qua sự kiện, các giá trị văn hóa, du lịch được đưa tới gần hơn cho người dân tại Thủ đô, tạo cơ hội quảng bá và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành.

Theo định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận từ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương sẽ phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh./.

(Vietnam+)