Nhiều loại bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng xuất phát từ đôi tay

Những năm gần đây đã và đang xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Nhiều loại bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng xuất phát từ đôi tay ảnh 1Bộ Y tế tổ chức hoạt động hướng dẫn học sinh rửa tay với xà phòng đúng cách để phòng dịch bệnh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu của ngành y tế đưa ra cho thấy, thói quen không rửa tay thường xuyên với xà phòng vẫn đang là một trong những thói quen cố hữu của đại bộ phận nhiều người dân, nhất là những người sinh sống tại vùng nông thôn.

Nhiều dịch bệnh lây truyền từ bàn tay

Những năm gần đây đã và đang xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hàng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán…


[Bệnh không lây nhiễm đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam]

Người dân, đặc biệt là học sinh tại nhiều trường học trên cả nước, trẻ nhỏ ở nông thôn, dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ… hay gần đây nhất là căn bệnh nguy hiểm đang bùng phát dịch tay chân miệng.

Theo các chuyên gia về y tế, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay-chân- miệng…

Tuy vậy, việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa trở thành thói quen thường xuyên của nhiều người dân.

Tại Việt Nam, theo niên giám thống kế y tế, bệnh tiêu chảy cũng là bệnh có tỷ lệ mắc cao thứ hai ở Việt Nam. Các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng.

Vì vậy, cách tốt nhất để các vi khuẩn này không vào được cơ thể hay phát tán chính là vệ sinh tay đúng cách.


Vệ sinh tay - Liều vắcxin hiệu quả

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vệ sinh tay được coi là liều vắcxin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác rửa tay với xà phòng đã làm giảm từ 35-47% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy. Trong khi đó, bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy từ 35-47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19-45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em.

Nhiều loại bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng xuất phát từ đôi tay ảnh 2Nhân viên y tế khám, tư vấn cách vệ sinh cá nhân dự phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như vắcxin hiệu quả, tiết kiệm, dễ thực hiện để bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, đối với học sinh - thế hệ tương lai của đất nước thì việc giữ sạch đôi bàn tay là điều kiện thiết thực nhất để phòng chống nhiều bệnh.

Theo các bác sỹ, mỗi người dân cần thực hiện việc rửa tay vào 5 thời điểm quan trọng: Sau khi sử dụng nhà vệ sinh (đi tiểu, đi đại tiện); Sau khi ra ngoài đường; Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; Trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.

Để phòng các dịch bệnh đường tiêu hóa, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính nguy hiểm như tả, SARS, cúm A/H5N, cúm A/H1N1, bệnh tay chân miệng…, đặc biệt là dịch đau mắt đỏ. trong thời gian gần đây, các chuyên gia của WHO và ngành y tế Việt Nam đưa ra lời khuyên thiết thực mỗi người trong cộng đồng luôn giữ đôi bàn tay sạch sẽ và thực hiện tốt việc rửa tay với xà phòng.

Đặc biệt, Trong bối cảnh khí hậu có những diễn biến bất lợi, điều kiện vệ sinh môi trường nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu, không có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắcxin dự phòng thì bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể dự phòng bằng cách thực hành tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Việc rửa tay bằng xà phòng đúng cách cho trẻ em và người trực tiếp chăm sóc trẻ, khử trùng đồ chơi, vật dụng của trẻ… có hiệu quả rõ rệt, trong việc giảm nguy cơ nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng cũng như các dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa nói chung ở trẻ em.

Bộ Y tế cũng kêu gọi tất cả các ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức cùng phối hợp với ngành y tế tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông để tuyên truyền về lợi ích của việc rửa tay với xà phòng, duy trì và dần đưa hành động thường xuyên rửa tay bằng xà phòng thành một nếp sống văn minh của xã hội./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam là một chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe.

Chương trình hướng đến 3 mục tiêu cụ thể: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục