Trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội vào ngày 4/11 sắp tới, thời gian làm thêm giờ tối đa đối với người lao động quy định không quá 30 giờ/tháng.
Thế nhưng, quy định này hiện vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Trong khi các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp không đồng thuận và đề nghị tăng số giờ làm thêm thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại nhất trí với Dự thảo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Thế nhưng, quy định này hiện vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Trong khi các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp không đồng thuận và đề nghị tăng số giờ làm thêm thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại nhất trí với Dự thảo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Giới chủ đòi tăng giờ làm thêm
Tại Hội nghị “Người sử dụng lao động toàn quốc năm 2011-Tình hình quan hệ lao động và kiến nghị sửa đổi Bộ luật Lao động”, do Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng qua (24/10), đa số đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng cần nới rộng thời gian làm thêm giờ tối đa cho người lao động, so với mức mà Dự thảo Bộ luật Lao động đang trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII xem xét.
Theo ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì không nên khống chế số giờ làm thêm 30 giờ trong một tháng mà chỉ cần đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 12 giờ trong một tuần
Ông Đạo cho biết: “Nếu như mỗi ngày làm việc thêm 2 giờ, mỗi tuần làm việc 6 ngày, ngày chủ nhật nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe để làm tiếp cho tuần tới, như vậy là phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành dệt may vì là ngành sản xuất có mùa vụ. Nhiều tháng người chủ sử dụng lao động phải cho người lao động nghỉ chờ việc, nhưng cũng có tháng thì đơn hàng lại dồn dập, lịch giao hàng gấp cần thời gian làm thêm để thực hiện hợp đồng với khách hàng.”
Còn ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh lại kiến nghị "cho phép giờ làm thêm tối đa 4 giờ trong một ngày và không quá 40 giờ trong tháng mà không cần khống chế thời gian tối đa trong năm. Nếu quy định như vậy, các doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc giữa chi phí cao phải trả ngoài giờ để quyết định khi thật sự cần thiết nhằm duy trì việc làm cho chính người lao động mà không lo phạm luật.”
Không chỉ các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước có ý kiến về vấn đề này. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng tình với ý kiến cần tăng thời gian làm thêm nhằm tăng tính cạnh tranh cho lao động Việt Nam.
Ông Shutoh Noriaki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm cần thay đổi quy định về làm thêm giờ. “Việc giới hạn số giờ làm thêm ít sẽ khiến các ngành công nghệ cao của Nhật Bản do dự khi đầu tư sang Việt Nam và trở thành điểm hạn chế của việc đẩy nhanh cơ cấu công nghiệp của Việt Nam, do giới hạn làm thêm giờ của nghề chuyên môn kỹ thuật ở Nhật Bản là trên 60 giờ.”
Ông Jo Yin Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yakjin Việt Nam, đại diện cho Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Thực tế, hiện nay ngay cả các đối tác khách hàng nước ngoài cũng quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động lên đến 60 giờ/tuần. Điều đó có nghĩa là người lao động có thể làm thêm giờ lên đến hơn 500 giờ/năm.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng số giờ làm thêm tối đa có thể nên quy định lên đến 400 giờ/năm. Có lẽ khó có công ty nước ngoài nào đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay có thể tuân theo quy định mức làm thêm giờ tối đa đối với lao động của doanh nghiệp họ chỉ giới hạn 200 giờ,” ông Jo Yin Sang cho biết.
Liên đoàn lao động nói không
Mặc dù đã lắng nghe ý kiến, lý lẽ của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhưng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm đồng tình với quy định về thời gian làm thêm không quá 30 giờ/tháng.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động là nên quy định giờ làm thêm không quá 30 giờ trong một tháng. Vì với thể chất của người lao động Việt Nam và điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp hiện nay còn chưa được đảm bảo thì vấn đề làm thêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và an toàn lao động. Việc kéo dài thời giờ làm thêm đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ, sản xuất ngày càng phát triển thì thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để đảm bảo điều kiện làm việc, sức khỏe, đời sống của người lao động.
Theo ông Chính, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện chưa xây dựng cơ chế giám sát, chế tài xử lý vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác triệt để sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với độ tuổi lao động hiện hành.
“Nếu cho phép thời giờ làm thêm 1 năm là 360 giờ (tương đương với 45 ngày làm việc) thì người lao động quanh năm chỉ có làm việc, không có thời gian để học tập, nâng cao trình độ, vui chơi giải trí,” ông Chính nói./.
Hồng Kiều (Vietnnam+)