Nhóm nhân viên của Liên hợp quốc tham gia giám sát lệnh ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeida, Yemen ngày 22/12 đã đến điểm dừng đầu tiên ở quốc gia Trung Đông này.
Nhóm này, do Tướng về hưu người Hà Lan Patrick Cammaert dẫn đầu, đã đến Aden, miền Nam Yemen - nơi đặt trụ sở của chính phủ được quốc tế công nhận. Dự kiến, ông Cammaert sẽ gặp một số quan chức trong chính phủ tại Aden trước khi đến thủ đô Sanaa đang do phiến quân kiểm soát và sau đó là đến thành phố Hodeida.
Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết triển khai nhóm phản ứng nhanh tới Yemen để giám sát lệnh ngừng bắn ở thành phố cảng Hodeidah.
Theo nghị quyết trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ triển khai một nhóm phản ứng nhanh tới giám sát lệnh ngừng bắn và hỗ trợ các bên tại Yemen trong 30 ngày đầu tiên.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng yêu cầu ông Guterres từ nay đến cuối tháng đưa ra đề xuất về các hoạt động giám sát lệnh ngừng bắn một cách bền vững, việc triển khai quân trở lại của các bên và việc hỗ trợ quản lý cũng như tuần tra ở khu vực các cảng Hodeidah, Salif và Ras Issa.
[LHQ thông qua nghị quyết giám sát lệnh ngừng bắn tại Yemen]
Nghị quyết cũng kêu gọi Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi tạo điều kiện để hàng hóa viện trợ và thương mại, bao gồm cả khí đốt, đến được nước này cũng như đảm bảo các cảng của Yemen hoạt động hiệu quả và lâu dài.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại Yemen bắt đầu có hiệu lực tại thành phố Hodeidah từ giữa đêm 17 rạng sáng 18/12. Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và lực lượng Houthi đã đạt được thỏa thuận này sau nhiều ngày tiến hành hòa đàm tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển mới đây.
Hiện hai bên cũng đã nhất trí sẽ tiến hành thêm các cuộc đàm phán vào cuối tháng 1/2019 để đưa khung đàm phán tiến tới xây dựng thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột vào năm 2014 giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận./.