Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021

Nhật Bản một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng với hộ chiếu có thể cung cấp quyền miễn thị thực hoặc xin thị thực tại chỗ khi đến 193 khu vực trên thế giới.
Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Mới đây, Công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners vừa công bố danh sách những hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021.

Theo Bảng xếp hạng Hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) vừa được công bố, nếu không tính đến các hạn chế tạm thời, Nhật Bản một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng với hộ chiếu có thể cung cấp quyền miễn thị thực hoặc xin thị thực tại chỗ khi đến 193 khu vực trên thế giới.

Henley Passport Index là bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu theo sự tự do đi lại cho công dân được thực hiện bởi Công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners, cung cấp hướng dẫn dễ dàng cho khách du lịch biết nơi nào họ có thể đến mà không cần xin visa.

[Người dân UAE sở hữu tấm hộ chiếu có 'quyền lực' nhất thế giới]

Bảng xếp hạng này hoạt động từ năm 2006 và được xem là nguồn tin đáng tin cậy khi sử dụng dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) bao gồm 199 hộ chiếu và 227 điểm đến du lịch.

Bảng xếp hạng được cập nhật theo thời gian thực trong suốt cả năm khi các thay đổi về chính sách thị thực có hiệu lực.

Theo báo cáo của Henley & Partners, trong quý đầu tiên của năm 2021, mức độ di chuyển quốc tế chỉ bằng 12% mức trước đại dịch. Do đó, sự khác biệt giữa khả năng tiếp cận du lịch trên lý thuyết và thực tế được cung cấp bởi những hộ chiếu quyền lực nhất là khá đáng kể.

Trên thực tế, do COVID-19, người sở hữu hộ chiếu Nhật Bản chỉ được miễn thị thực đến ít hơn 80 khu vực, ngang bằng với xếp hạng chỉ số của Saudi Arabia hiện đang đứng ở vị trí thứ 71.

Đến nửa cuối năm, thứ hạng hầu như không thay đổi nhiều khi Nhật Bản vẫn giữ vững vị trí đầu tiên, Singapore ở vị trí thứ hai với số điểm là 192 và Hàn Quốc đối đầu với Đức ở vị trí thứ ba với số điểm là 191.

Do lo ngại tình hình phức tạp của dịch COVID-19, phần lớn các quốc gia đều hạn chế đi lại và nhập cảnh đối với khách nước ngoài.

Một số quốc gia còn yêu cầu khai báo dịch tễ và xuất trình bảng kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi làm thủ tục nhập cảnh. Ngay cả những quốc gia triển khai vaccine COVID-19 rất thành công vẫn bị ràng buộc bởi các hạn chế đi lại như Mỹ và Anh đang đứng ở vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng, cùng với Thụy Sĩ, Bỉ và New Zealand.

Như thường lệ, hầu hết các vị trí còn lại trong top 10 của bảng xếp hạng đều do các nước EU nắm giữ.

Phần Lan, Italy, Luxembourg, Tây Ban Nha ở vị trí thứ tư; Áo, Đan Mạch ở vị trí thứ năm; trong khi Pháp, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển cùng đứng ở vị trí thứ sáu.

Về tự do đi lại, 2 quốc gia đạt được thành công lớn nhất trong thập kỷ qua là Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã tăng 22 bậc (từ vị trí thứ 90 lên thứ 68), trong khi UAE đã đi thẳng từ vị trí thứ 65 lên vị trí thứ 15.

Việc tăng cường quan hệ ngoại giao của 2 quốc gia này trên toàn thế giới đã giúp cho công dân của họ được phép dễ dàng tiếp cận 174 điểm đến, so với 67 điểm đến trong một thập kỷ trước.

Xu hướng trong tương lai

Ông Christian H. Kaelin, chủ tịch Henley & Partners, cho biết do đại dịch COVID-19 và việc áp dụng các hạn chế đi lại, khả năng di chuyển toàn cầu sẽ bị cản trở nghiêm trọng trong ít nhất là phần còn lại của năm nay.

“Ở nhiều quốc gia, những nghi ngờ nghiêm trọng đã nảy sinh về khả năng xử lý một cuộc khủng hoảng toàn cầu, do đó chính sách hướng nội được ưu tiên hơn cả. Sự gia tăng của chủ nghĩa cô lập và sự phi toàn cầu hóa chắc chắn sẽ gây ra những hệ quả sâu sắc, trong đó nền kinh tế thế giới và tính lưu động toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Ông Robert Maciejewski, Giám đốc điều hành của Văn phòng Y tế Gia đình SIP ở Thụy Sĩ, nhận xét về báo cáo Henley: “Việc áp dụng rộng rãi hộ chiếu COVID-19 dường như là một thực tế sắp xảy ra. Việc không có hộ chiếu Covid có thể sẽ dẫn đến các hạn chế trên thực tế về quyền tự do đi lại, cho dù đó là đi du lịch hay các hoạt động thường ngày.”

Ông Kaelin cho biết: “Do sự chênh lệch toàn cầu về khả năng tiếp cận và các chương trình triển khai vaccine, hộ chiếu Covid có thể sẽ làm gia tăng thêm bất bình đẳng hộ chiếu trên toàn thế giới.”

IATA, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, hoan nghênh động thái của nhiều quốc gia trong việc cho phép những du khách đã tiêm vaccine có thể bỏ qua bước kiểm dịch, nhưng cũng cảnh báo rằng quyền tự do đi lại là điều nên có cho tất cả mọi người.

Ông Willie Walsh, tổng giám đốc của IATA, cho biết: "Dữ liệu cho chúng tôi thấy rằng không nên hạn chế những khách du lịch đã tiêm phòng. Và việc sàng lọc có thể mở ra biên giới an toàn cho những người không được tiêm chủng"./.

Hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021:

1. Nhật Bản (193 điểm đến)
2. Singapore (192)
3. Đức, Hàn Quốc (191)
4. Phần Lan, Italia, Luxembourg, Tây Ban Nha (190)
5. Áo, Đan Mạch (189)
6. Pháp, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển (188)
7. Bỉ, New Zealand, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ (187)
8. Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Malta, Na Uy (186)
9. Australia, Canada (185)
10. Hungary (184).

Hộ chiếu cuối bảng xếp hạng năm 2021:

109. Nepal (38)
110. Lãnh thổ Palestine (37)
111. Somalia (34)
112. Yemen (33)
113. Pakistan (32)
114. Syria (29)
115. Iraq (28)
116. Afghanistan (26).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục